Gucci

Tất cả những gì bạn cần biết về thương hiệu thời trang Gucci, lịch sử thành lập, giám đốc sáng tạo, các thiết kế và tin mới nhất

Gucci là thương hiệu thời trang xa xỉ cao cấp đến từ Ý, một trong những hãng thời trang có sức mạnh nhận diện thương hiệu lớn nhất toàn cầu ngày nay. Mặt hàng của Gucci đa dạng, từ trang phục, phụ kiện (mũ nón và giày dép), cho đến đồ trang trí nhà cửa. Gucci cũng có dòng mỹ phẩm Gucci Beauty bắt tay cùng nhà sản xuất Coty Inc.

Gia đình sáng lập thương hiệu thời trang Gucci

Thương hiệu Ý này do ông Guccio Gucci sáng lập năm 1921 tại Florence, Ý. Khi ông mất vào 2/1/1953, nó được truyền cho ba người con trai là Aldo, Vasco và Rodolfo Gucci.

Người con cả Aldo giúp đưa Gucci bành trướng qua Mỹ và Nhật, tạo nên những mặt hàng rất hot tại hai thị trường ấy. Hai người em của Aldo thì lại tạo nên đủ thứ mặt hàng thượng vàng hạ cám đóng mác Gucci, khiến hình ảnh thương hiệu trở nên lộn xộn.

Xuống đến đời thứ ba của dòng họ, lục đục gia đình khiến nội bộ Gucci bắt đầu chia rẽ. Mỗi người con có một viễn tưởng riêng dành cho Gucci. Kết quả là những vụ kiện tụng tốn giấy mực báo chí vào giai đoạn thập niên 1980.

Chân dung Maurizio Gucci và vợ. Ảnh: WENN

Cuối cùng, Maurizio Gucci, con trai của Rodolfo Gucci, với sự giúp đỡ của luật sư Domenico de Sole, giành được quyền thừa kế thương hiệu. Tuy nhiên, ông không phải là một doanh nhân giỏi. Mang nhiều hoài bão cho thương hiệu, tiêu tiền như nước để thực hiện hóa chúng trước khi kịp thu về lợi nhuận, ông khiến Gucci bị lỗ nặng.

Kết quả là năm 1993, ông phải bán toàn bộ thương hiệu Gucci cho tập đoàn đầu tư Investcorp. Từ đấy, Gucci thoát khỏi sự kiểm soát của gia đình. Bạn có thể đọc thêm về quá trình gầy dựng thương hiệu của gia đình Gucci tại bài viết lịch sử tổng quát này.

Tom Ford và Domenico de Sole vực dậy thương hiệu thời trang Gucci

Thiết kế của Tom Ford cho Gucci 1998

Thiết kế của Tom Ford cho Gucci 1998

Nếu Maurizio Gucci từng có một quyết định kinh doanh đúng đắn, đó là thuê luật sư Domenico de Sole về để làm cố vấn cho mình. Năm 1989, bộ đôi này đã mời Dawn Mello, nữ doanh nhân sắc bén từ Mỹ, về để tái xây dưng hình ảnh thương hiệu. Và Dawn Mello là người đã thuê Tom Ford về cho vị trí thiết kế chính tại thương hiệu.

Sau khi Marizio Gucci rời thương hiệu, bộ đôi Domenico de Sole và Tom Ford được công ty đầu tư Investcorp giao toàn quyền điều hành Gucci. Họ đã làm nên cơn cách mạng cho Gucci khi tạo nên làn sóng Porno Chic. Tom Ford, với các thiết kế vô cùng sexy, vô cùng táo bạo, biến Gucci thành một thương hiệu trendy trẻ trung.

Vào thập niên 2000, Gucci trở thành thương hiệu hot hơn bao giờ hết. Điều này khiến hai tập đoàn thời trang lớn: LVMH và PPR (sau này đổi tên thành Kering) để mắt đến. Domenico de Sole, do không muốn Gucci rơi vào tay LVMH, đã mời PPR đầu tư. Nhưng, PPR lại không cho phép bộ đôi Domenico de Sole và Tom Ford có toàn quyền điều khiển thương hiệu như trước. Vì vậy mà năm 2004, bộ đôi này rời khỏi nhà mốt Gucci.

>>> Xem thêm: GIÀY HORSEBIT LOAFER, PHỤ KIỆN ĐÃ CỨU LẠI GUCCI TRONG THỜI KỲ ĐEN TỐI

Trầm lặng dưới bàn tay Frida Giannini

Các bộ sưu tập của Frida Giannini đẹp nhưng rời rạc. Không có sự liền mạch giữa các mùa thời trang. Gucci một lần nữa trở nên "loạn" trong con mắt giới thời trang.

Các bộ sưu tập của Frida Giannini cho Gucci, giai đoạn 2010–2015.

Sau khi Tom Ford rời đi, tập đoàn PPR bổ Frida Giannini trở thành Giám đốc sáng tạo. Frida Giannini không có chất lửa bùng cháy, không tạo nên vẻ sexy hoang dã cho Gucci như Tom Ford. Cô chuyển hướng Gucci sang quyến rũ hơn là gợi tình.

Giai đoạn làm việc cho Gucci, Frida Giannini gặp chồng tương lai là Patrizio Di Marco, CEO thương hiệu. Họ một lần nữa trở thành cặp bài trùng, như cách Domenico de Sole và Tom Ford đã từng. Dưới thời kỳ trị vì của họ, Gucci mở thêm 220 cửa hàng toàn cầu trong chỉ 5 năm.

Dưới bàn tay của Frida Giannini, Gucci phát triển theo đường hướng hơi hoài cổ. Cô khôn ngoan khai thác những sản phẩm từng ăn khách trong quá khứ của Gucci, biến nó thành item hiên đại hơn.

Phát triển vượt bậc nhờ Alessandro Michele

Alessandro Michele tăng cường những màn bắt tay độc lạ cho Gucci

Năm 2015, Frida Giannini và Patrizio Di Marco đồng loạt rời Gucci. Người kế nhiệm là một nhà thiết kế trẻ chẳng ai biết tên – Alessandro Michele. Sự bổ nhiệm của Alessandro Michele khiến nhiều người ngạc nhiên.

Nhưng, thực chất, Alessandro Michele đã làm việc cho Gucci tận từ thời của Tom Ford. Chính Tom Ford đã tuyển dụng, rèn luyện và nâng đỡ Alessandro Michele. Nhà thiết kế này được truyền thừa phong cách táo bạo, khả năng chi phối mạng xã hội và truyền thông giống Tom Ford. Nhưng thay vì đi theo hướng sexy bốc lửa, Michele lại chuyển hẳn về phong cách retro, hoài cổ của thập niên 1970. Ông giới thiệu những khái niệm ăn mặc unisex (phi giới tính), geek chic, bohemian, maximalism vào các bộ sưu tập.

Dưới bàn tay Alessandro Michele, Gucci liên tục là thương hiệu thời trang có sức phát triển mạnh nhất, từ 2015 đến 2020. Người ta gọi giai đoạn này là Renaissance (tức thời kỳ Phục Hưng) của Gucci.

>>> Xem thêm: VÌ SAO TOM FORD LÀ “VẾT NHƠ” TRONG LỊCH SỬ THƯƠNG HIỆU THỜI TRANG GUCCI?

Mới nhất về Gucci

Xem thêm

Thương hiệu

Gucci
Năm thành lập: 1921
Địa điểm : Florence, Ý
Nhà sáng lập : Guccio Gucci
Chủ sở hữu: Tập đoàn Kering
Giám đốc sáng tạo:
  • Dawn Mello (1989 – 1995)
  • Tom Ford (1995 – 2004)
  • Frida Giannini (2006 – 2014)
  • Alessandro Michele (2015 – hiện tại)