Swarovski

Swarovski đã thay đổi ngành công nghiệp chế tác pha lê với những công nghệ đột phá và tư duy mới mẻ

Swarovski đến từ Áo là công ty hoạt động theo mô hình gia đình trị. Thương hiệu do ông Daniel Swarovski thành lập vào năm 1895, và đến bây giờ vẫn thuộc sở hữu của gia đình Swarovski – chính xác là đời thứ năm của dòng họ này!

Tuy nhiên, Swarovski không chỉ có pha lê. Bạn hẳn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng công ty này còn khai thác và kinh doanh kim cương đá quý; bán máy móc công nghiệp dưới thương hiệu Tyrolit; và sản xuất kính viễn vọng, ống kính ngắm cho súng dưới dòng Swarovski Optik.

Lịch sử thương hiệu Swarovski

Kỹ thuật tiên tiến làm nên nền tảng pha lê Áo

Ông Daniel Swarovski (1862–1956) là một nhà khoa học và doanh nhân có tầm nhìn chiến lược. Mong muốn của ông là chế tác nên một “viên kim cương cho tất cả mọi gia đình”. Tất nhiên, kim cương thật thì đắt đỏ. Nhưng pha lê thì không.

Daniel-Swarovski-I

Chân dung Daniel Swarovski

Người đàn ông này sinh ra và lớn lên tại Bohemia (thuộc Công hoà Séc), cái nôi sản xuất thủy tinh của châu Âu. Cha của ông sở hữu một nhà máy sản xuất thủy tinh nhỏ. Khi lớn lên, cậu bé Daniel Swarovski học nghề trong công xưởng của gia đình.

Sau khi tham gia triển lãm điện năng (International Electric Exhibition) tại Vienna, Áo năm 1883, Daniel Swarovski nhận ra rằng nguồn cung cấp năng lượng mới này sẽ thay đổi ngành công nghiệp. Cậu nhất định phải tìm ra một cách để tích hợp nó vào ngành sản xuất thủy tinh.

Và thế là năm 1892, cậu trai trẻ tuổi phát minh ra chiếc máy cắt và đánh bóng pha lê chạy bằng điện đầu tiên. Nhờ chiếc máy này, viên tinh thể có thể được cắt nhiều mặt đồng đều và hoàn hảo, tạo hiệu ứng như một viên kim cương. Đồng thời lại có thể sản xuất hàng loạt, giảm giá thành, bỏ qua khâu chế tác cũ. Chiếc máy từ đó cách mạng hóa ngành công nghiệp thủy tinh và pha lê.

Daniel-Swarovski-I-ok

Daniel Swarovski là người phát minh ra chiếc máy đầu tiên để cắt và đánh bóng pha lê

Khai sinh thương hiệu Swarovski

Năm 1895, Daniel Swarovski, cùng hai người bạn Franz Weis và nhà tài chính Armand Kosmann thành lập công ty chung. Họ quyết định rời Bohemia, thành lập trụ sở tại thành phố Wattens thuộc bang Tyrol, Áo. Thành phố này gần với thủ phủ thời trang Paris, lại có cơ sở hạ tầng về điện năng phù hợp với yêu cầu của công ty mới.

Ban đầu, công ty được đặt tên là A. Kosman, Daniel Swarovski & Co. Logo đầu tiên của thương hiệu là bông hoa Edelweiss, quốc hoa của Áo. Mãi đến năm 1988 thì Swarovski mới đổi sang biểu tượng thiên nga nổi tiếng ngày nay.

Dấu ấn Swarovski trong làng thời trang và nghệ thuật

Flagship-Swarovski-tokyo

Flagship store của Swarovski tại Tokyo, Nhật Bản

Từ ngày ra đời, pha lê Swarovski đã được ưa chuộng. Nhưng mãi đến khi được giới thời trang, trang sức để mắt đến thì giá trị thương hiệu mới nhảy vọt.

Bắt tay với các nhà thiết kế thời trang

Vào thập niên 1920, các nhà thiết kế – từ Coco Chanel đến Elsa Schiaparelli – bắt đầu đưa pha lê Swarovski vào trang phục. Các viên pha lê óng ánh của thương hiệu Áo tạo nên những dải tua rua bắt sáng trên trang phục flapper của thập niên 1920.

Vào thập niên 1950, sự bắt tay cùng nhà thiết kế Christian Dior đã làm nên một sản phẩm cực kỳ đặc biệt trong lịch sử Swarovski: Viên pha lê cầu vồng Aurora Borealis (viết tắt là AB). Con trai của Daniel Swarovski, Manfred, đã sáng chế nên một lớp kim loại cực mỏng để bọc dưới đáy viên pha lê. Kết quả là viên pha lê có thể tỏa ánh sáng bảy màu cầu vồng, tựa như quang cực.

Trái: Quảng cáo trong thập niên 1950 của màn bắt tay giữa Christian Dior và Swarovski: Pha lê Aurora Borealis (AB Crystal). Phải: Son dưỡng môi Dior năm 2009 được đựng trong mặt dây chuyền làm từ viên pha lê kinh điển.

Vào thập niên 1980, Swarovski lần đầu tiên chế tác sản phẩm trang trí nhà cửa bằng pha lê. Mỗi mùa Giáng Sinh, hãng sẽ ra mắt nhiều quả cầu treo cây thông Noel phiên bản giới hạn, khiến người tiêu dùng đổ xô đi tìm mua.

Các dự án điện ảnh gắn liền với tên tuổi Swarovski

Mối liên kết chặt chẽ giữa Swarovski và điện ảnh Hollywood bắt đầu từ thập niên 1930. Khi cô đào Marlene Dietrich diện chiếc đầm nạm bằng pha lê Swarovski lên phim Blonde Venus (1932), các nữ minh tinh khác mau chóng đòi hỏi nhà thiết kế của mình phải làm nên những bộ cánh lóng lánh tương tự cho mình.

Cũng không thể không nhắc đến đôi giày đỏ biểu tượng của Judy Garland trong bộ phim Phù thủy xứ Oz (The Wizard of Oz) năm 1939. Đôi giày màu đỏ được nạm hoàn toàn bằng pha lê đỏ, tăng hiệu ứng lấp lánh khi lên khung hình.

Đôi hài đỏ của Dorothy trong phim Wizard of Oz lấp lánh vì đính sequin và pha lê Swarovski. Ảnh: Marriott

Kế đó là Marilyn Monroe trong bộ phim Gentlemen Prefer Blondes (1953). Tuy cô hát về kim cương – và bộ phim này cũng khai sinh cho câu nói “Kim cương là người bạn đời tốt nhất của mọi cô gái” – nhưng trên người Marilyn Monroe lại phủ đầy…pha lê Swarovski.

Marilyn Monroe và những trang sức pha lê trong phim Gentlemen Prefer Blondes

Marilyn Monroe cũng từng diện một chiếc đầm đính 2000 viên pha lê Swarovski năm 1962 khi hát tặng sinh nhật cựu Tổng thống Mỹ John F. Kennedy. Thiết kế từ Jean Louis là một trong những chiếc đầm đắt nhất thời bấy giờ, và khi cô mặc lên sân khấu, ánh đèn khiến phần vải màu nuy như biến mất, để lại một Marilyn Monroe lấp lánh như kim cương.

Và làm sao quên được nàng Holly Golightly của Breakfast at Tiffany’s (1956). Tuy Audrey Hepburn hy vọng sở hữu các trang sức từ Tiffany & Co, cô lại diện lên mình toàn vương miện và trang sức nạm pha lê Swarovski.

Sau đó là Yêu nữ thích hàng hiệu (The Devil Wears Prada), Cối xay gió đỏ (Moulin Rouge)… Hay trong Alice lạc vào xứ sở thần tiên (Alice in Wonderland) của đạo diễn Tim Burton. Cũng không thể không kể đến sự hợp tác thành công của Swarovski với phim Sex and the City 2 năm 2010.

Swarovski hậu Daniel Swarovski

che-tac-Swarovski

Năm 1887, nhà sáng lập thương hiệu, ông Daniel Swarovski lấy vợ là bà Marie Weis, em gái của nhà đồng sáng lập công ty. Họ có với nhau ba người con trai là Fritz, Alfred và Wilhelm. Năm 1956, khi ông qua đời, các con trai của ông tiếp quản công ty.

Đến bây giờ, dòng họ Swarovski vẫn duy trì tầm nhìn và hướng hoạt động theo nguyên tắc của ông. Swarovski quan trọng hóa sự hoàn mỹ, độ chính xác và việc không ngừng đổi mới.

Daniel Swarovski cho rằng: “Luôn luôn cần cải thiện những thứ đã tốt”.

Hiện tại, dưới sự điều hành của thế hệ thứ tư, thứ năm, Swarovski tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động và đẩy mạnh nghiên cứu những tiềm năng chưa được khám phá của pha lê.

Thương hiệu ra mắt hàng loạt kiểu dáng pha lê mới. Ví dụ kiểu cắt Chatons mô phỏng kim cương, Xilion với nhiều mặt cắt to nhỏ khác nhau để tăng tỉ lệ khuếch trương ánh sáng. Hoặc sáng chế ra nhiều hiệu ứng bề mặt mới như Dorado (ánh vàng đồng), Volcano (ánh lửa hồng tím), v.v. Swarovski còn sáng chế ra loại pha lê không dùng chì, từ đó tạo nên những chai pha lê dùng để đựng rượu vang hay whiskey mà không ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Ngoài việc cung cấp pha lê cho các đơn vị chế tác trang sức và trang phục, hãng đặc biệt chú trọng phát triển các sản phẩm trang sức, đồng hồ cao cấp của riêng mình, ví dụ dòng Atelier Swarovski.

BST Atelier Swarovski x Lanvin 2017

ĐỊA CHỈ MUA SẮM

Hà Nội

Vincom Centre Bà Triệu
191 Bà Triệu, Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng
Điện thoại: +84 24 7109 7868

TP.HCM

TTTM Takashimaya
92-94 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Bến Nghé, Quận 1
Điện thoại: +8438211295

TTTM Vincom Center
70–72 Lê Thánh Tôn, Bến Nghé, Q.1
Điện thoại: +84 28 3824 8507

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Mới nhất về Swarovski

Xem thêm

Thương hiệu

Năm thành lập: 1895
Địa điểm : Wattens, Áo
Nhà sáng lập : Daniel Swarovski, Armand Kosmann, Franz Weis
Chủ sở hữu: Gia đình Swarovski
Giám đốc sáng tạo: