Thượng khách của Project Runway Việt Nam 2014

Đó là ông Jean-Paul Cauvin - Giám đốc điều hành Học viện Thiết kế Thời trang Atelier Chardon Savard hàng đầu của Pháp, giám khảo khách mời đặc biệt của tập 1 cuộc thi Project Runway mùa thứ hai

Ông Jean-Paul Cauvin ngồi ghế giám khảo khách mời trong tập đầu tiên chương trình Project Runway Việt Nam 2014 

Trực tiếp hướng dẫn top 12 thí sinh, ông đã đưa ra những lời khuyên sâu sắc cho các nhà thiết kế trẻ trước khi đón top 3 sang tham gia một khóa học thời trang ngắn hạn tại học viện do Harper’s Bazaar Việt Nam tài trợ.

BAZAAR (BZ): Ấn tượng ban đầu của ông về các nhà thiết kế lọt vào top 12 lần này?

Jean-Paul (JP): Nói thật tôi thấy những nhà thiết kế được vào ngôi nhà chung lần này chưa thật sự xuất sắc. Có lẽ do họ chưa có cơ hội thể hiện năng lực của mình. Có một số bạn cố gắng tỏ ra khác biệt nhưng đó chưa phải là thực chất. Bạn nên nhớ bất cứ cuộc thi thiết kế nào cũng tìm kiếm người có tố chất sáng tạo mạnh mẽ, đủ sức tạo nên một làn sóng mới. Trong 12 thí sinh năm nay có một người nổi trội hẳn nhưng tôi chưa thể tiết lộ. Một số bạn khác tôi thấy ước mơ khát vọng của họ lớn hơn khả năng hiện tại. Nhưng đó không phải là điều gì đáng lo, chúng ta sẽ hướng họ phát huy bản thân, mở ra những điều mới mẻ.

BZ: Top 3 sẽ được học gì thêm ở ngôi trường của ông?

JP: Họ chỉ có một tuần để học nên cũng không nói được gì nhiều. Quan trọng là các bạn sẽ được đến thăm bảo tàng, hiểu hơn về xu hướng thời trang, những quy luật của thời trang chuyên nghiệp. Tôi muốn hướng dẫn họ tạo nên những tác phẩm nguyên bản, là sự sáng tạo không sao chép.

Jean-paul-cauvin-3

Ông Jean-Paul Cauvin tại buổi họp báo ra mắt chương trình

 

BZ: Theo ông, làm sao để trở thành nhà thiết kế thành công trong lĩnh vực nhiều cạnh tranh như hiện nay?

JP: Thời trang là sự sáng tạo thường xuyên, đòi hỏi người làm trong lĩnh vực này có sự nhạy bén với xu hướng và nỗ lực tự thân. Bạn phải là chính mình, đi sâu vào tâm hồn mình rồi mới thể hiện điều đó qua thiết kế và lôi cuốn những người khác.

BZ: Theo ông, điểm mạnh của những nhà thiết kế châu Á là gì? Ông có thể chỉ ra điểm yếu của họ không?

JP: Họ trẻ trung, chịu học hỏi, nhiều năng lượng, lao động nghiêm túc, đầy hứng khởi và sẵn sàng thành công. Tôi nhìn thấy khao khát muốn thay đổi thế giới của họ. Điểm yếu là họ xuất thân từ một nền thời trang sao chép nên khả năng bứt phá sẽ khó hơn. Thế nên tôi nghĩ, để thực sự trở nên có đẳng cấp và theo đuổi đến cùng sự sáng tạo của mình đối với họ là không hề đơn giản.

BZ: Nhiều người quan niệm là giàu mới làm được nhà thiết kế, ông nghĩ sao về điều này?

jp: Nếu giàu, hẳn nhiên bạn có nhiều cơ hội nhưng không phải cứ sẵn có vải vóc máy móc là bạn cứ như thế mà trở thành nhà thiết kế. Quan trọng nhất là sáng tạo mỗi ngày, trên mọi phương diện và nghị lực đi đến cùng chặng đường của mình.

Ở trong top 12 thí sinh năm nay, có một số bạn chưa thạo kỹ thuật lắm, nhưng quan trọng là ý tưởng, bản năng sáng tạo, những cái khác sẽ phụ trợ cho bạn. Đây cũng mới chỉ là tuần đầu tiên, các bạn còn có thể thay đổi phát triển và hoàn thiện, quan trọng là quá trình đó. Hãy ý thức việc thể hiện đúng bản thân.

Jean-paul-cauvin-2

Ông Jean-Paul Cauvin đang hướng dẫn người mẫu catwalk trước giờ trình diễn

 

BZ: Hiện nay nhiều người học thiết kế trở thành stylist và ngược lại nhiều stylist cũng tham gia cuộc thi thiết kế. Ông nghĩ sao về ranh giới càng lúc càng thu hẹp lại của ngành này?

JP: Stylist cần có gu thẩm mỹ trong việc phối hợp các món đồ thời trang khác nhau để hình thành nên một tổng thể trang phục hoàn hảo. Còn nhà thiết kế chỉ thể hiện khả năng stylist của mình trong một show trình diễn nhưng nếu có một stylist hiểu ý chuyên nghiệp thì tốt hơn nhiều vì có rất ít người có đủ khả năng về cả hai mặt này. Thời trang là một lĩnh vực đòi hỏi sự phối hợp làm việc với nhau. Điều đó sẽ mang lại cái nhìn về tổng thể bộ trang phục tốt hơn.

BZ: Tiêu chí nào để ông lựa chọn người thắng cuộc năm nay?

JP: Yếu tố tiên quyết là gu thẩm mỹ cá nhân. Tiếp đến là bản năng sáng tạo, kỹ thuật toàn diện hay khả năng hoàn thiện các kỹ năng trong thời gian ngắn với áp lực căng thẳng. Bên cạnh đó là sự nhạy bén với xu hướng cùng năng lực kết nối với những người xung quanh để hiện thực hóa ý tưởng của mình.

BZ: Cảm ơn ông đã chia sẻ.

ĐÔI NÉT VỀ HỌC VIỆN: Atelier Chardon Savard có bề dày lịch sử trong việc đào tạo về thiết kế thời trang gần 30 năm và thu hút rất nhiều sinh viên đam mê ngành thời trang trên toàn thế giới theo học. Học viện là bệ phóng tài năng cho các nhà thiết kế trẻ, giúp họ ghi được dấu ấn của mình tại thị trường thời trang quốc tế.

Xem thêm