Thụy Điển là một quốc gia luôn đi đầu về xu hướng sống lành mạnh. Các nhà mốt Thụy Điển, như Acne Studios hay Cheap Monday, đều ưu tiên những chất liệu và cách hoạt động thân thiện với môi trường. Hội đồng Thời trang Thụy Điển cũng đi đầu trong tìm ra những giải pháp giúp giảm sự ô nhiễm của ngành thời trang.
Giải pháp mới nhất được quốc gia này đề ra là: Hủy bỏ tuần lễ thời trang Stockholm.
Tuần lễ thời trang này vốn sẽ diễn ra từ 27 đến 29/8. Tuy nhiên, Hội đồng Thời trang Thụy Điển đã biểu quyết rằng format này có thể được thay thế với các giải pháp khác.
Vì sao tuần lễ thời trang Stockholm sẽ bị hủy bỏ?
Khi thời trang bị lên án là một trong những ngành công nghiệp tệ hại nhất cho môi trường; Thụy Điển đã tìm cách giúp ngành công nghiệp tại nước nhà phát triển theo một hướng bền vững hơn. Từ việc đầu tư vào công nghệ tái chế; sử dụng năng lượng xanh; đến thúc đẩy thời trang vintage và second-hand.
Bạn có biết: Trong 100 tỷ sản phẩm thời trang được sản xuất toàn cầu hàng năm, chỉ có 1% được tái sử dụng?
Theo Hội đồng Thời trang Thụy Điển, với sự ra đời của kỹ thuật số, cũng như các biện pháp sản xuất quần áo mới (như made-to-order), tuần lễ thời trang không còn phù hợp với nhu cầu hiện tại.
Jennie Rosén, CEO của Hội đồng Thời trang Thụy Điển, phát biểu:
“Việc hủy bỏ tuần lễ thời trang là quyết định rất khó khăn nhưng cần thiết. Chúng ta cần bỏ lại những định dạng đã cũ kỹ. Để tìm ra hướng phát triển phù hợp hơn với ngành công nghiệp hiện đại. Ngành thời trang Thụy Điển đang phát triển mạnh mẽ, nên chúng tôi cũng phải tìm ra cách mang lại trải nghiệm công nghệ cao cho ngành thời trang trong kỷ nguyên mới.”
“Đây là những bước tiến giúp chúng tôi theo kịp nhu cầu thị trường nhưng vẫn đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Đây sẽ là tiêu chuẩn mới cho thời trang.”
Đâu là những định dạng hiện đại hơn?
Tuần lễ thời trang bị xem là cũ kỹ vì nó có niên kỷ khá lâu đời. Trước sự hiện diện của Internet. Các buổi biểu diễn thời trang vô cùng xa hoa, lộng lẫy, nhưng cũng rất tốn kém. Từ việc set up địa điểm; sản xuất các sản phẩm quảng cáo; cho đến…chính trang phục. Nhiều bộ sưu tập được trên sàn diễn catwalk chỉ là mẫu sample cho mùa sau; và không thể mua được ngay. Chưa kể chúng được thiết kế vừa với phom dáng người mẫu, nên không phù hợp với số đo người mua hàng bình thường.
Ngày càng nhiều các nhà mốt chuyển qua ủng hộ trào lưu “See Now, Buy Now”. Như Burberry và Tom Ford. Các sản phẩm được bày bán qua video interactive trên Instagram và ảnh Pinterest. Thương hiệu Fenty của Rihanna kết hợp với LVMH thậm chí không có cửa hàng hay mùa thời trang cố định. Như vậy, các nhà thiết kế có thể tăng cường tiêu thụ sản phẩm mà không cần đến tuần lễ thời trang.
Định hướng của Hội đồng Thời trang Thụy Điển là giúp các thương hiệu phát triển bền vững. Ví dụ tìm mua vải từ những nguồn đáng tin cậy; đơn giản hóa quy trình sản xuất để sử dụng ít tài nguyên; và tăng cường tái chế. Họ cũng có các program để tư vấn kinh doanh cho các thương hiệu. Đây là những yếu tố thiết thực hơn việc tổ chức một show diễn xa hoa và tốn kém.
>>>> Xem thêm: PRADA RA MẮT DÒNG TÚI XÁCH THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG
Theo Living by EuroNews
Harper’s Bazaar Việt Nam