Bộ sưu tập lần này của Tom Ford hòa trộn giữa hai phong cách: miền Tây nước Mỹ, quê hương ông và London, ngôi nhà thứ hai của ông.
Tom Ford yêu quý London và ông thể hiện điều đó rõ nét nhất qua những thiết kế mang âm hưởng của thập niên 1960 Swinging London, thập niên của trào lưu Mod (Modern) hiện đại và phá cách. Các cô người mẫu với mái tóc ép thẳng, mắt khói và son môi nhạt trình diễn những mẫu đầm shift dress suôn ngắn trên gối, không quá ôm sát nhưng vẫn khéo léo khoe được đường cong cơ thể. Bộ sưu tập còn có những chiếc áo khoác lông cáo to sụ phối các tông màu nổi bật như nâu đồng – đỏ hồng, tím – vàng nâu. Tất nhiên, cũng không thể thiếu dấu ấn của Tom Ford trong bộ váy áo màu đỏ bằng da cá sấu có phần cổ xẻ chữ V đan dây chéo phối cùng boot cao cổ đồng bộ.
Những đôi boot chính là biểu hiện rõ nhất của tình yêu đối với cội nguồn là miền Viễn Tây nước Mỹ. Đường cong xẻ nhọn hình chữ V trên cổ boot gợi nhớ kiểu giày cao bồi cổ điển. Trong khi đó, các chi tiết đan dây chéo qua lại cùng những bộ đầm cổ lọ suôn dài chấm đất bằng nhung đỏ lấy cảm hứng từ kiểu đầm của những nàng cowgirl.
Tom Ford còn thể hiện sự hài hước qua những chiếc đầm suôn tay dài đính sequin lấp lánh có in số 61 và chữ Molly bị gạch chéo. Đây là cách ông ủng hộ bài hát Tom Ford của nam ca sĩ Jay-Z trước đây với phần lời có đoạn: “I don’t pop molly, I rock Tom Ford” (ý chỉ Jay-Z nói không với thuốc phiện Ecstasy và cảm thấy hưng phấn chỉ nhờ mặc đồ của Tom Ford). Khi đó, Jay-Z từng mặc một chiếc áo thun bóng đá in số 61, năm sinh của nhà thiết kế. Giờ đây, Tom Ford đã “hợp thức hóa” mẫu áo này và còn đùa rằng: “Chiếc áo kia đáng giá 65 đô, còn áo của tôi được bán với giá 6.500 đô”. Ông còn bổ sung rằng mẫu đầm này ông đã lấy cảm hứng từ bộ sưu tập 1967 của nhà thiết kế Geoffrey Beene nổi tiếng cuối thập niên 1960.
Một số xu hướng nổi bật trong bộ sưu tập gồm cảm hứng retro của thập niên 1960, họa tiết da báo, phong cách thể thao sportswear (áo in số), áo khoác lông oversize và đầm đính sequin.