Những năm gần đây, đón Giáng sinh ở nhà thờ không còn là thói quen riêng của những người Công giáo. Người không có đạo cũng xem việc dạo chơi hay chụp hình trong các nhà thờ, xóm đạo là hoạt động thú vị mỗi dịp Noel. Cùng Harper’s Bazaar điểm qua 5 nhà thờ có kiến trúc đẹp nhất và luôn nhộn nhịp mỗi mùa Giáng sinh tại Việt Nam mà bạn có thể ghé chơi.
1. Nhà thờ đá Sapa
Tọa lạc ngay trung tâm thị trấn Sapa, nhà thờ Đá Sapa được xây dựng từ năm 1895 được coi là một dấu ấn kiến trúc cổ toàn vẹn nhất của người Pháp còn sót lại, đến nay là một trong những nhà thờ đẹp nhất Việt Nam. Nhà thờ đã được tôn tạo và bảo tồn, trở thành một hình ảnh không thể thiếu khi nhắc đến thị trấn Sa Pa mù sương.
Nhà Thờ Đá tọa lạc vị trí đắc địa với phía sau là núi Hàm Rồng trên một diện tích 6000 m². Trong đó có khu nhà thờ gồm 7 gian, mỗi gian rộng 500 m², tháp chuông cao 20m, bên trong là quả chuông cao 1,5m, nặng nửa tấn. Toàn bộ nhà thờ được xây bằng đá đẽo, liên kết các khối đá là hỗn hợp của cát, vôi và mật mía.
Điểm hấp dẫn nhất của nhà thờ này là lối kiến trúc nhà thờ được thiết kế theo kiểu Gotic La Mã cổ, thể hiện rõ nét nhất là ở mái nhà, tháp chuông, vòm cuốn… đều hình chóp tạo cho công trình sự bay bổng, thanh thoát.
2. Nhà thờ gỗ Kon Tum
Nhà thờ gỗ Kon Tum – cái tên dân dã mà người dân nơi đây vẫn thường gọi bởi công trình này được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ cà chít. Đây được xem là di tích cổ kính của thành phố xinh đẹp này, cũng như là một trong những nhà thờ đẹp nhất và độc đáo nhất Việt Nam.
Nhà thờ tọa lạc trên đường Nguyễn Huệ, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, được xây dựng vào năm 1913, đến năm 1918 thì hoàn thành và còn tồn tại đến ngày nay.
Nhà thờ Chính tòa Kon Tum do chính một vị linh mục người Pháp thiết kế và khởi xướng. Kiến trúc của nhà thờ được thiết kế hài hòa giữa kiểu kiến trúc Roman và nhà sàn gỗ của người Ba Na. Một sự kết hợp đặc sắc giữa văn hóa Tây phương và văn hóa mạng đậm bản sắc dân tộc của vùng Tây Nguyên. Cà chít (sến đỏ) – loại gỗ đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên được sử dụng chủ yếu trong việc xây dựng nhà thờ. Qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đến từ Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi… công trình đã được dựng lên, các tấm gỗ được kết dính với nhau bằng mộng mà không hề sử dụng đinh. Nhà thờ là công trình kiệt tác bằng gỗ mang phong cách Basilica duy nhất còn lại trên thế giới.
3. Nhà thờ Chánh tòa Đà Lạt, còn gọi là nhà thờ Con gà Đà Lạt
Nhà thờ chính tòa Đà Lạt (tên chính thức là: Nhà thờ chính tòa Thánh Nicôla Bari, còn có tên gọi khác là nhà thờ Con Gà vì trên đỉnh tháp chuông có hình con gà lớn) là một nhà thờ Công giáo ở Việt Nam. Đây là nhà thờ chính tòa của vị giám mục Giáo phận Đà Lạt, cũng là nhà thờ lớn nhất Đà Lạt, một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu và cổ xưa nhất của thành phố này do người Pháp để lại.
Nhà thờ nằm tại số 13 đường Trần Phú, phường 3, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Là một trong top 20 địa điểm du lịch thu hút khách du lịch nhất ở Đà Lạt. Nếu đến tham quan Đà Lạt mà bỏ qua nhà thờ chính tọa Đà Lạt thì thật thiếu sót.
Nhà thờ Con gà được thiết kế theo “kiểu mẫu” của các nhà thờ Công giáo Rôma ở châu Âu, tiêu biểu cho trường phái kiến trúc Roman. Mặt bằng nhà thờ theo hình chữ thập (giống thánh giá) có chiều dài 65m, rộng 14m, tháp chuông cao 47m. Với độ cao đó, từ tháp chuông của nhà thờ có thể nhìn thấy mọi nơi của thành phố. Cửa chính của nhà thờ hướng về núi Langbiang. Nội thất thánh đường gồm 3 gian: 1 gian lớn ở giữa và 2 gian nhỏ ở hai bên. Mặt cắt công trình thể hiện rõ hệ cuốn theo dạng cung nguyên với dãy cuốn và hệ vòm nôi. Các cột trong nội thất có hệ đầu cột mô phỏng dạng cổ điển kết hợp với tự phát. Cả mặt bằng và mặt đứng đều được thiết kế đối xứng nghiêm ngặt theo lối cổ điển.
Điểm dễ nhận thấy nhất trong phong cách kiến trúc Châu Âu của Nhà thờ Con Gà chính là điểm nhấn sử dụng bằng những tấm kính. Với 70 tấm kính màu khác nhau, do xưởng Louis Balmet ở Grenoble (Pháp) chế tạo. Mang một phong cách đặc trưng riêng của những nhà thờ Châu Âu. Với những tấm kính màu này sẽ làm cho không gian bên trong nhà thờ trở nên nổi bật và trang nghiêm hơn bao giờ hết. Vừa có tính nghệ thuật, vừa có tính thẩm mĩ mà lại giúp cho không gian nhà thờ trở nên sáng hơn và rộng rải hơn.
4. Nhà thờ Giáo xứ Tân Hóa Bảo Lộc
Nhà thờ giáo xứ Tân Hóa nằm tại số 193 trên quốc lộ 20. Giáo xứ được thành lập vào ngày 15-08-1955 do một nhóm giáo dân gồm 500 người đến đây lập nghiệp. Trong đó đa số là giáo dân đến từ Thanh Hóa và một số ít thuộc Phát Diệm, Bùi Chu và Thái Bình. Đó cũng là lí do cho nguồn gốc của cái tên Nhà thờ Tân Hóa. Được biết, nhà thờ Tân Hóa từng được một số tạp chí bình chọn là một trong trong mười nhà thờ đẹp nhất Việt Nam. Đêm Giáng sinh ở đây vô cùng lộng lẫy với hàng ngàn ánh đèn thắp sáng. Bên cạnh nhà thờ sẽ là những vườn trà, vườn cà phê xanh tươi.
5. Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn
Nhà thờ Đức Bà là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Sài Gòn. Nhà thờ không chỉ là biểu tượng của Công giáo ở Việt Nam, mà còn là một trong những công trình kiến trúc độc đáo của Thành phố Hồ Chí Minh, điểm đến của du khách, hình ảnh đặc trưng của du lịch Việt Nam.
Tên gọi ban đầu của nhà thờ là Nhà thờ Sài Gòn (tiếng Pháp: l’Église de Saigon). Còn tên gọi Nhà thờ Đức Bà bắt đầu được sử dụng từ năm 1959 bằng việc đặt Tượng Đức Bà Hòa Bình trước khuôn viên.
Công trình do kiến trúc sư người Pháp Jules Bourard thiết kế và được ra mắt năm 1880. Nhà thờ được xây dựng theo phong cách kiến trúc Roman pha trộn với phong cách kiến trúc Gothic, bao gồm có thánh đường, tháp chuông và công viên bên ngoài. Điểm nhấn của nhà thờ là bức tường được xây bằng gạch xuất xứ từ Marseille (Pháp) từ cuối thế kỷ 19. Phía trước mái vòm của nhà thờ là chiếc đồng hồ Thụy Sĩ trải qua hơn 140 năm vẫn hoạt động chính xác.
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn không chỉ là một công trình kiến trúc nghệ thuật mà còn là nhân chứng lịch sử, chứng kiến sự đổi thay của TP.HCM hơn 1 thế kỷ qua.
ĐI ĐÂU CHƠI GÌ DỊP GIÁNG SINH:
CHƠI GIÁNG SINH, NĂM MỚI BÊN BỜ BIỂN Ở REGENT PHÚ QUỐC
6 ĐỊA ĐIỂM MUA ĐỒ TRANG TRÍ NOEL Ở SÀI GÒN KHÔNG NÊN BỎ QUA
Nội dung: Tổng hợp. Ảnh: NAG Nguyễn Văn Thương
Tạp chí Thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam