Ăn trái cây không phải cứ thật nhiều là tốt. Không phải ai cũng nắm được kiến thức nên dùng loại nào, cách ăn, thời điểm ăn…. Những thói quen thường thấy khi dùng trái cây dưới đây chưa chắc tất cả đều đúng. Hãy xem các chuyên gia dinh dưỡng nhận định như thế nào.
Ăn trái cây ngay sau bữa cơm có tác dụng tốt cho tiêu hóa: SAI
Cách tráng miệng bằng trái cây vẫn được nhiều gia đình và nhà hàng áp dụng. Trên thực tế, điều đó không đúng khoa học.
Sau bữa cơm, nếu bạn lập tức dùng tiếp hoa quả thì chúng sẽ lưu lại trong dạ dày bên cạnh những thức ăn đã ăn trước đó, gây ra triệu chứng đầy bụng, táo bón, ảnh hưởng xấu đến chức năng tiêu hóa của cơ thể. Lúc này, dạ dày gánh vác thêm áp lực về tiêu hóa. Bạn cần nhanh chóng thay đổi thói quen này.
Ăn trái cây để trong tủ lạnh vào mùa hè để hạ nhiệt: SAI
Ăn trái cây mát luôn cho ta cảm giác thích thú và ngon miệng hơn. Tuy nhiên, trái cây quá lạnh sẽ gây kích thích dạ dày và làm dạ dày co giãn chậm lại, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa.
Vì vậy, bạn cần lưu ý đến thời gian làm lạnh trái cây. Ví dụ: các loại quả như vải, hồng, lê chỉ nên để trong tủ lạnh ở nhiệt độ 4°C trong vòng hai giờ, không nên trữ đến ngày thứ hai.
Ngoài ra, một số loại hoa quả như dưa lưới, đào, mơ… sẽ không còn ngon sau khi cất trong tủ lạnh bởi đã mất vị ngọt ban đầu. Đó là hiện tượng giảm độ ngọt của các loại đường có trong hoa quả khi cất giữ ở nơi có nhiệt độ thấp.
Trái cây có nhiều chất dinh dưỡng nên ăn càng nhiều càng tốt: SAI
Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, mỗi ngày, bạn chỉ ăn từ 100 – 200g trái cây là đủ. Không nên quá 500g. Rất nhiều hoa quả có hàm lượng đường lớn nên nếu ăn quá nhiều không chỉ gây ra nguy cơ tiềm ẩn của căn bệnh tiểu đường mà còn làm gia tăng tốc độ đường hóa trong cơ thể, đồng thời làm tăng tốc độ lão hóa da.
Ăn trái cây vào bữa sáng gây đau bao tử : ĐÚNG
Khi vừa ngủ dậy lúc sáng sớm, bao tử của bạn bị rỗng. Lúc này, nếu sử dụng ngay những thực phẩm có tính a-xít cao sẽ gây ra triệu chứng đau bao tử, trong đó có một vài loại trái cây như cam, chanh, khế…
Tóm lại, thời điểm dùng trái cây tốt nhất là trước bữa cơm một giờ và cách hai giờ sau bữa cơm. Ngoài ra, ăn trái cây vào buổi tối lại chỉ đạt hàm lượng dinh dưỡng thấp. Vì thế, thay vì uống nước ép trước khi đi ngủ, bạn chỉ nên uống sữa.
Ăn trái cây không bằng uống nước ép. Nước ép vẫn giữ nguyên thành phần dinh dưỡng trong trái cây: SAI
Thành phần dinh dưỡng chính có trong trái cây là vitamin. Thế nhưng, bên trong từng tế bào của thịt hoa quả tồn tại hàm lượng lớn enzyme hoạt tính. Khi trái chín, enzyme sẽ tồn tại bên trong tế bào, không bị thoát ra ngoài nên không phá hủy hoạt tính của các chất dinh dưỡng.
Khi ép hoa quả thành nước, vỏ tế bào bị phá hủy, lượng enzyme này sẽ bị thoát ra ngoài và khiến thành phần dinh dưỡng bị mất đi.
Chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng trước khi ép hoa quả, bạn có thể giội nước sôi qua chúng khoảng 1 phút. Việc này có thể làm enzyme trong tế bào trái cây mất đi hoạt tính và tăng khả năng lưu giữ chất dinh dưỡng của trái cây khi ép thành nước.
Lượng đường trong trái cây
Thông thường, khi ăn trái cây, hễ loại nào thấy ngọt thì bạn nghĩ rằng lượng đường cao, hơi chua thì vội cho rằng lượng đường thấp. Do đó, chúng ta thường lo lắng rằng nếu trái cây quá ngọt sẽ dễ làm dư đường, tăng cân. Đó là kết luận chủ quan vì trên thực tế, mỗi người có vị giác khác nhau khi cảm nhận độ ngọt hay chua.
Theo phương pháp thực nghiệm khoa học xác định tổng lượng đường từ trái cây tươi cần thiết cho cuộc sống hàng ngày, các chuyên gia dinh dưỡng đã đúc kết rằng chúng ta nên sử dụng hoa quả có hương vị đậm đà, màu sắc chín đậm và ăn theo mùa, không nên chỉ lựa chọn dựa vào độ ngọt hoặc quan tâm quá nhiều tới lượng đường cao thấp trong loại quả đó. Các thử nghiệm đáng tin cậy đã cho thấy độ ngọt của trái cây và hàm lượng đường không tỷ lệ thuận với nhau.
Bảng xếp hạng dưới đây cho thấy lượng đường trong các loại trái cây phổ biến theo thứ tự từ cao xuống thấp:
>>> Xem thêm: ĂN GÌ ĐỂ ĐẸP NGƯỜI, TĂNG SỨC ĐỀ KHÁNG?
Bài: Hàn Thủy. Ảnh: Getty Images
Harper’s Bazaar Việt Nam