Trang phục Bắc bộ thế kỷ 19 trong Người Vợ Cuối Cùng là điểm sáng của phim

Bộ phim "Người Vợ Cuối Cùng" là lời tri ân vẻ đẹp văn hóa Bắc bộ được đạo diễn Victor Vũ dày công chăm chút. Lối ăn mặc của thời Bắc bộ phong kiến thế kỷ 19 đã được êkíp tìm hiểu kỹ lưỡng và thực hiện sao cho đúng nhất với sách sử miêu tả.

Bộ phim Người vợ cuối cùng được đánh giá thành công ở khía cạnh xây dựng bối cảnh và tủ đồ trang phục giống với lịch sử mô tả

Sau nhiều tháng chờ đợi, phim điện ảnh Người vợ cuối cùng của Victor Vũ đã khởi chiếu vào ngày 3/11/2023. Lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Hồ oán hận của tác giả Hồng Thái, Người vợ cuối cùng lấy bối cảnh thế kỷ 19 của Việt Nam.

Bộ phim xoay quanh cuộc đời của Linh (Kaity Nguyễn thủ vai), một phụ nữ chân quê sở hữu nhan sắc nổi bật nhưng số phận rất đỗi truân chuyên. Đạo diễn Victor Vũ cho biết anh muốn kể câu chuyện về thân phận người phụ nữ lạc loài giữa gấm ngọc.

Bộ phim đưa khán giả về miền Bắc Việt Nam thế kỷ 19

Thay vì chọn phương pháp dùng phông xanh và sử dụng đồ họa vi tính, đạo diễn Victor Vũ đã chọn xây dựng bối cảnh thật để tạo vẻ đẹp chân thật cho những thước phim. Cả đoàn đã kỳ công quay ngoại cảnh. Nhiều cảnh quay trọng điểm của phim được ghi hình ở non sông hữu tình tại hồ Ba Bể ở Bắc Kạn. Có thể thấy, Victor Vũ tiếp tục phát huy thế mạnh ở những thước phim đại cảnh nhằm lột tả vẻ đẹp ấn tượng của non nước quê hương.

Thầy đề Thiện Lương (diễn viên Anh Dũng) và Quan tri Huyện (NSƯT Quang Thắng)

Không chỉ ghi lại hình ảnh cảnh quan thiên nhiên Việt Nam tuyệt mỹ trên những thước phim điện ảnh, Victor Vũ còn dày công xây dựng bối cảnh và dành nhiều thời lượng để lột tả cuộc sống miền Bắc thời phong kiến. Khán giả như được du hành thời gian về thế kỷ XIX với phiên chợ quê tấp nập tại một thị trấn xa xôi, nơi người dân buôn thúng bán bưng được tái hiện như thật, lột tả được không khí sôi nổi của phiên chợ quê.

Bộ phim cũng thành công vẽ nên cuộc sống giàu – nghèo tương phản trong thời phong kiến. Một bên là biệt phủ giàu sang, kín cổng cao tường của nhà quan, luôn có những bữa cỗ linh đình. Một bên là nhà dân nghèo dựng bằng tre nứa và lợp mái lá.

Trang phục phim Người vợ cuối cùng được nghiên cứu kỹ lưỡng

Xong xong với bối cảnh được đầu tư công phu, êkíp Người vợ cuối cùng cũng nghiên cứu kỹ lưỡng phong cách ăn mặc thời phong kiến Bắc bộ để xây dựng tủ đồ cho các nhân vật trong phim.

Diễn viên Thuận Nguyễn vai Nhân mặc kiểu áo dài nam truyền thống

Theo nghiên cứu, giai đoạn thời Nguyễn đã có sự phát triển vượt bậc về chất liệu vải. Những loại vải dệt dày dặn như lĩnh, lượt, là được sử dụng tương đối phổ biến. Nam bằng áo dài năm thân, cài chéo vạt, có khuy tết bằng chỉ hoặc làm từ đồng/bạc hay bằng ngọc, phối với quần lụa trắng. Có thể thấy nhân vật Nhân do Thuận Nguyễn đóng, cũng như thầy đề Thiện Lương do diễn viên Anh Dũng thủ vai, đã mặc những trang phục như thế này.

Với những gia đình có điều kiện ăn mặc chỉn chu (không phải dân lao động), cả đàn ông và đàn bà đều mặc áo dài lụa trắng lót bên trong. Bên ngoài họ mặc áo bằng vải lụa tơ tằm dệt mỏng như là sa, xuyến hoặc băng. Tất cả nhân vật trong phim đều cố tình để hở cổ áo dài trắng lót bên trong áo dài phủ ngoài để nhấn mạnh chi tiết này.

Sa, xuyến hoặc băng không phải chất liệu, mà là cách dệt vải tơ tằm kiểu thủng, tạo ra hiệu ứng mỏng nhẹ, trong suốt. Những chất vải này có độ bóng và óng ánh rất đẹp đến từ đặc trưng của chất liệu tơ tằm, nổi bật khi mặc cùng áo lụa trắng bên trong.

Sa có thể dệt trơn hoặc dệt hoa. Xuyến chủ yếu dệt trơn, có sợi dày và mỏng đan xen. Còn băng chỉ có hàng dệt hoa. Trang phục của Linh (ảnh trên) giống với chất liệu xuyến được miêu tả trong sách sử.

Gia đình nhà quan và các vương hầu thì dùng hàng gấm vóc, cũng mặc bên ngoài áo lụa trắng.

Ngày nay người ta hay quen miệng nói lụa là gấm vóc, nhưng thực chất gấm và vóc là hai kiểu dệt lụa khác nhau. Vóc là thứ đoạn mỏng có hoa đồng màu, còn gấm có hoa dệt màu sặc sỡ hoặc bằng kim tuyến. Ở hình trên, có thể cho rằng mợ Cả mặc áo vải gấm, mợ Hai mặc áo may từ vóc.

Quan Tri Huyện mặc áo gấm có họa tiết nổi nhất, ngực đeo thẻ bài cho thấy địa vị làm quan. Áo dài của Quan Tri Huyện và Thầy Đề sử dụng họa tiết để nhấn mạnh vào sự khác biệt trong địa vị xã hội của cả hai.

Dù mặc trang phục làm từ chất liệu nào, áo dài hoặc tứ thân thường được phối với quần rộng dài đến mắt cá chân, thắt ngang hông nhờ chiếc dải rút.

Bên cạnh theo sát bối cảnh lịch sử, Người vợ cuối cùng còn dùng trang phục trong phim để miêu tả tính cách và thân phận của nhân vật. Ví dụ, mợ Cả và mợ Hai thường mặc áo dài vải gấm dệt hoa cầu kỳ, thể hiện địa vị cao trong nhà. Còn mợ Ba Linh lại chủ yếu chỉ mặc trang phục màu trầm hoặc nhạt, ít họa tiết, ngụ ý là con người cam chịu, xuất thân thấp kém.

Mợ hai do Đinh Ngọc Diệp thủ vai

Mợ cả do NSƯT Kim Oanh đóng

Bên cạnh trang phục, những phục sức nhỏ và lối làm tóc cũng được êkíp phim Người vợ cuối cùng thực hiện tỉ mỉ. Các nhân vật có tóc búi cao, cuốn gọn cùng dải băng đen hoặc khăn để tránh xộc xệch.

Những trang sức như vòng cổ, hoa tai, vòng tay… thường đều là những vòng tròn đơn giản không hình chạm khắc, hoa tai có kích thước nhỏ theo “mốt” phụ kiện xưa.

Như một sự tri ân dành cho vẻ đẹp văn hóa Bắc bộ, chiếc nón ba tầm đặc trưng cũng xuất hiện ấn tượng cùng Kaity Nguyễn trong nhiều phân cảnh. Nón ba tầm khác nón quai thao ở kích cỡ và độ dày. Nón ba tầm có độ dốc hơn nón quai thao và có đường kính nhỏ hơn nón quai thao. Thường thì nón ba tầm có đường kính dưới 4 tấc (dưới 40 cm) còn nón quai thao rộng đến 12 tấc (1m20).

Dù bộ phim bị đánh giá là có cốt truyện thiếu sáng tạo và nhạt, nhưng điều không thể chối cãi là phim Người vợ cuối cùng đã thành công đưa người xem đắm chìm vào không khí văn hóa đậm chất hoài cổ thời nhà Nguyễn.

**Êkíp thực hiện**

Producer: Kat House
Executive Producer: Trịnh Tất Đạt

Photographer: Trí Nghĩa Nemotion

Wardrobe: Phan Thị Minh Châu
Makeup: Cu-Tíe

Set Design: Ninh Văn Tuấn

Production Assistant: Thanh Hiếu
Photographer Assistant: Niên Lâm, Mai Hoàng, Nguyễn An, Tôn Huy
Makeup Assistant: Bin Lee

Studio: Nina Nguyễn Studio

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm