Người xưa có câu “Đàn ông đi biển có đôi/ Đàn bà đi biển mồ côi một mình” để nói về sự hy sinh của người phụ nữ Việt Nam. Câu nói ấy thể hiện sự thấu hiểu từng nỗi vất vả, ít nhiều sự đơn độc, tự thân gánh vác mà không ai có thể san sẻ nhưng cũng hết sức thiêng liêng. Do đó, triển lãm Đi biển có đôi của họa sỹ Nguyễn Công Hoài là triển lãm 40 bức tranh sơn dầu kể về hành trình thai nghén của người phụ nữ qua những lần “vượt cạn”. Các tác phẩm vô cùng cảm động do được anh vẽ dựa trên chính hình ảnh vợ và những đứa con của mình trong suốt 7 năm.
Mỗi bức vẽ đều là câu chuyện có thật về tình mẹ con ấm áp
Mỗi bức tranh cho người xem bắt gặp những cung bậc cảm xúc khác nhau trong hành trình “đi biển” khó khăn của người phụ nữ. Niềm hạnh phúc hân hoan hiện diện trong bức tranh Kết trái, những mệt mỏi trong bức Lạnh, nỗi cô đơn trong bức Một mình… Có thể nói, những ai là phụ nữ và từng trải qua thời gian mang nặng đẻ đau sẽ như thấy hình bóng mình phản chiếu trong loạt tranh đặc biệt này.
Giám tuyển Lý Đợi chia sẻ:
“Triển lãm Đi biển có đôi là sự chọn lọc của nhiều năm tháng vẽ về gia đình, nó như của để dành. Hoài nói vui, nhưng mà thật: “Khi không biết vẽ gì thì vẽ vợ con. Chứ đã ra xưởng rồi, mà không vẽ gì, nó phí một ngày”. Phát biểu này cho thấy Hoài đã xác định cho mình sự chuyên tâm, như cái cây mỗi ngày mỗi lớn, tới lúc là phải đơm hoa kết trái”.
Nhà nghiên cứu Lý Đợi phân tích:
“Hoài vẽ vợ con thế nào? Không câu nệ hiện thực. Lâu lâu vẽ một bức, ban đầu còn không có ý định làm triển lãm, vì không nghĩ sẽ vẽ được nhiều, lên đến 40-50 bức như hiện nay. Chính vì vậy, đa số tranh trong Đi biển có đôi không bị khu biệt vào chuyện riêng của một gia đình cụ thể, mà nó trở thành không khí thân thuộc của bất kỳ gia đình nào đang trong thai kỳ, đang chăm con nhỏ. Nói cách khác, dù vẽ vợ con, nhưng Nguyễn Công Hoài đã điển hình hóa chuyện riêng thành chuyện phổ biến, không bắt người xem miễn cưỡng chia sẻ chuyện nhà mình”.
Đôi nét về họa sỹ Nguyễn Công Hoài
Nguyễn Công Hoài sinh năm 1984 tại Quảng Trị, là một trong những gương mặt họa sỹ đương đại nổi bật. Tháng 7/2015, lúc còn dùng nghệ danh Alan Nguyễn, Hoài đã có triển lãm cá nhân đầu tiên Những người quanh tôi tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, bày khoảng 30 tranh.
Không chỉ với triển lãm đầu tiên và Đi biển có đôi, mà triển lãm lần nào Nguyễn Công Hoài cũng vẽ những điều thân thuộc, gần gũi ở chung quanh. Những triển lãm thành công của anh có thể kể đến: Nghe những tàn phai, Những ngày không mơ mộng, Mặt…
Về Alpha Art Station, đơn vị tổ chức triển lãm Đi biển có đôi
Alpha Art Station là “trạm dừng chân cho nghệ thuật”. Nơi đây trưng bày những tác phẩm hội hoạ, điêu khắc, gốm cũng như nhiều loại hình nghệ thuật đương đại khác. Alpha giới thiệu cũng như tổ chức bày biện tác phẩm cho nghệ sĩ. Thông qua chuỗi hoạt động bền bỉ này, Alpha Art Station mong muốn ủng hộ và tiếp sức cho những người sáng tạo chân chính. Họ là những nghệ sĩ kỳ cựu hay mới nổi, với tinh thần dám dấn thân, dám thử thách và tìm tòi chính mình cũng như phong cách, thử nghiệm mới để mang đến cho công chúng những chiêm ngưỡng lẫn trải nghiệm bất ngờ và thú vị.
Alpha Art Station mong muốn tạo ra một không gian nghệ thuật chất lượng nhưng gần gũi với công chúng, thông qua việc tư vấn mua, bán, ký gởi và cho thuê tác phẩm nghệ thuật, Alpha Art Station muốn góp phần tạo nên tính chuyên nghiệp, minh bạch và sôi động cho thị trường nghệ thuật tại Việt Nam.
THÔNG TIN CHO BẠNTriển lãm Đi biển có đôi của họa sỹ Nguyễn Công Hoài gồm 40 bức vẽ, được chia đều tại hai địa điểm: Alpha Art Station Bệnh viện Quốc tế Mỹ |
ĐỌC THÊM:
TRIỂN LÃM V.I.E… MANG NGHỆ THUẬT ĐƯƠNG ĐẠI CỦA VIỆT NAM ĐẾN PARIS
NHÌN XUYÊN TÂM TƯ QUA TRIỂN LÃM “INTROSPECTION” CỦA NGHỆ SĨ MZUNG NGUYỄN
Tạp chí Thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam