Triển lãm Étourdissant của Cartier: Những tuyệt tác giúp ta trân quý sự lấp lánh

Nhân kỷ niệm vàng 50 năm lập quốc của Singapore, Cartier chọn đảo quốc sư tử làm nơi kể câu chuyện của 600 tuyệt tác high jewellery lấp lánh đầy mê hoặc

Bên trong tòa nhà Pinacothèque de Paris – bảo tàng nghệ thuật mới khánh thành không lâu ở Singapore – là một thế giới khác hẳn với khung cảnh Singapore đang chìm trong màn sương mờ mùa haze (khoảng thời gian trong năm bầu trời Singapore chịu ảnh hưởng bởi bụi tro từ việc đốt rừng ở Indonesia). Ông Jean-Baptise Tardy, giám đốc phát triển thị trường Việt Nam, Philippines, Indonesia hồ hởi bắt tay từng người trong nhóm chúng tôi: “Chào mừng bạn đến với triển lãm Étourdissant Cartier!”.

Bảo tàng Pinacothèque de Paris ở SIngapore trong buổi triển lãm Étourdissant của Cartier

Bảo tàng Pinacothèque de Paris ở SIngapore trong buổi triển lãm Étourdissant của Cartier

Trước mắt tôi là một thế giới tinh khiết, tĩnh lặng, nơi mọi người nín thở chiêm ngưỡng những tác phẩm trang sức tinh tế nhất từ Cartier. Mỗi bộ sưu tập được đặt trang trọng trên từng dãy kệ trưng bày, được thiết kế như những khối băng trắng ngà phát sáng. Màu sắc của đèn tương ứng với gam màu chủ đạo của từng bộ sưu tập: màu vàng với trang sức bằng vàng, màu xanh ngọc cho đá emerald, xanh dương cho đá shappire, đỏ của hồng ngọc ruby…

TRIEN-LAM-TRANG-SUC-ETOURDISSANT-CARTIER-12 TRIEN-LAM-TRANG-SUC-ETOURDISSANT-CARTIER-13

TRIEN-LAM-TRANG-SUC-ETOURDISSANT-CARTIER-16 TRIEN-LAM-TRANG-SUC-ETOURDISSANT-CARTIER-17

Có những bộ trang sức lấp lánh đến độ máy ảnh của tôi không thể chụp nổi độ sáng rạng rỡ của các vật báu này

Có những bộ trang sức lấp lánh đến độ máy ảnh của tôi không thể chụp nổi độ sáng rạng rỡ của các vật báu này

Khi còn chưa biết bắt đầu từ đâu, Hazel See, cô chuyên viên Marketing và truyền thông của Cartier kéo tay tôi đến một góc, hào hứng chỉ vào chiếc vòng cổ và vòng tay bằng vàng đan mắt lưới như hàng rào, nói: “Chị phải xem tác phẩm này, đây là bộ nữ trang lấy cảm hứng từ cây cầu tình yêu Pont des Arts ở Paris. Chị có thấy những hạt đá quý đầy màu sắc cẩn nổi xung quanh không, chúng tượng trưng cho những ổ khóa trên cầu đấy!”. Quả là tinh xảo, đây có lẽ là cách Cartier lưu lại hình ảnh về câu cầu giờ đã trở thành quá khứ ở Paris.

Đang mê mải ngắm nhìn, ông Jean Baptise lại hướng chúng tôi đến một khu vực khác mà ông tâm đắc, giới thiệu: “Đây là nơi trưng bày những viên đá cực kỳ quý hiếm trên thế giới, mà chỉ có Cartier mới biết cách tôn vinh chúng”. Ông chỉ vào một chiếc vòng tay được đặt trang trọng riêng biệt trong một ô kính, với bức ảnh một quý công nương hoàng gia phía sau. Đây là chiếc vòng tay mang tên Romanov, với tâm điểm là viên đá sapphire Ceylon dạng cushion, nặng đến 197,80 carat, từng được cẩn trên vươn miệng đội đầu của nữ hoàng cuối cùng của nước Nga, Maria Feodorovna. Sau đó viên đá thuộc về nhà Cartier, được chế tác thành mặt dây chuyền và ca sỹ Ginna Walska đã mua năm 1929. Viên ngọc bích trở lại nhà Cartier năm 2014 và trở thành tâm điểm của chiếc vòng tay này. Cho nên, đây là món nữ trang mang tính lịch sử rất cao.

Tôi để ý thấy không chỉ độ lấp lánh của món trang sức, mà vẻ tự hào cũng ngời sáng trong ánh mắt của hai đại diện đến từ Cartier này, khi họ có dịp chia sẻ về những câu chuyện thú vị trong lịch sử của thương hiệu 168 tuổi mà mình đang phụng sự.

Vòng tay Romanov chứa viên sapphire Ceylon

Vòng tay Romanov chứa viên sapphire Ceylon

Sứ mệnh của nhà Cartier

Triển lãm đã trở thành một phần trong văn hóa của nhà Cartier. “Chúng tôi có sứ mệnh sáng tạo ra, nhưng chúng tôi cũng có sứ mệnh chia sẻ và diễn giải về các tác phẩm ấy”, tôi nhớ đến câu nói của ngài Stanislas de Quercize, CEO nhà Cartier trong một bài báo đã đọc về cuộc triển lãm Étourdissant ở Pháp. Kể từ năm 1989, Cartier đã tổ chức 33 cuộc triễn lãm tại những bảo tàng nổi tiếng trên toàn cầu như Metropolitant Museum of Art ở New York, Hay Grand Palais ở Paris. Tuy nhiên, những triển lãm trước thường chỉ trưng bày những món trang sức vintage của thương hiệu. Đây là một trong số những lần hiếm hoi hãng kết hợp ra mắt bộ sưu tập mới, Étourdissant – tên bộ sưu tập cũng là tên của buổi triển lãm. (Étourdissant trong tiếng Pháp có nghĩa là lấp lánh).

Ngôi sao của bộ sưu tập này là chiếc vòng cổ Étourdissant với độ tỏa sáng phản chiếu hoàn hảo theo đúng mọi ngữ nghĩa nhất của từ lấp lánh. Chiếc vòng làm từ bạch kim nạm kim cương, mang đậm phong cách hoàng gia, với cấu trúc hai lớp, có thể tách rời dây ở giữa để đeo riêng. Trung tâm của dây chuyền này là viên kim cương nặng 34,96 carat nước D (không màu, thang màu cao nhất, đắt nhất của kim cương) với độ tinh khiết tuyệt đối (IF – Internally Flawless). Khi kết nối với nhau, chiếc vòng dạng xương cá như một bản hợp xướng phản chiếu của ánh sáng lấp lánh trên mặt nước về đêm.

Vòng cổ Étourdissant chứa viên kim cương nặng 34,96 carat nước D với độ tinh khiết IF không tì vết

Vòng cổ Étourdissant chứa viên kim cương nặng 34,96 carat nước D với độ tinh khiết IF không tì vết

Một tác phẩm khác đáng chú ý trong bộ sưu tập Étourdissant là chiếc vòng tay Diamas. Vòng được chế tác bằng kỹ thuật “threading”, hiểu nôm na là kiểu dệt sợi như trên vải vóc. Đây là kỹ thuật thuộc hàng Métier d’art vô cùng công phu tinh xảo, đã thất truyền hàng thập kỷ nay, và Cartier đã mang nó trở lại. Những hạt kim cương được “dệt” vào nhau tỉ mỉ qua những sợi chỉ được làm đặc biệt, giúp các hạt đá tự do uyển chuyển theo từng cử động của người đeo, không cứng nhắc như cách làm thông thường. Đồng thời, để đảm bảo độ kết nối chắc chắn, những hạt đá quý này được “thread” hai lần ở cả hai mặt.

Vòng tay Diamas chế tác bằng kỹ thuật “threading” (xâu những viên kim cương với nhau bằng chỉ đặc chế để chúng vẫn chuyển động uyển chuyển tự do trên tay chủ nhân)

Vòng tay Diamas chế tác bằng kỹ thuật “threading” (xâu những viên kim cương với nhau bằng chỉ đặc chế để chúng vẫn chuyển động uyển chuyển tự do trên tay chủ nhân)

Những kỹ thuật tinh xảo

Ngày thứ hai, chúng tôi được tham quan triển lãm lần hai cùng chuyên gia người Pháp thuyết trình chi tiết từng món trang sức. Nhờ đó, tôi được mở mang thêm về màu sắc của những viên kim cương. Kim cương có rất nhiều màu, xanh, đỏ, tím, vàng chứ không chỉ trắng trong như chúng ta thường thấy. Cô chỉ cho chúng tôi hai viên kim cương quý hiếm nhất trong triển lãm, một viên màu xanh bleu được cắt dạng quả lê, và một viên dạng cushion màu hồng tím. Cả hai viên được cẩn trên những chiếc nhẫn với độ lấp lánh đến nỗi máy ảnh của tôi không thể capture lại được.

CARTIER-ETOURDISSANT-TRANG-SUC- 5.41.26 PM

Từ cô chuyên gia, tôi còn biết thêm một kỹ thuật mới mà nhà Cartier vừa thành công thực hiện được, và cô tin rằng trên thế giới hiện nay cũng hiếm có nhà kim hoàn nào làm được. Đó là cắt kim cương thành dạng mài tròn (cabochon-cut), bởi kim cương vốn nổi tiếng ở độ cứng rắn, phải có tay nghề cùng công nghệ chuyên sâu mới có thể . Cô tự hào chỉ cho chúng tôi tác phẩm đầu tiên sử dụng kỹ thuật này, đó là chiếc vòng tay mặt hình con báo, trên vòng dây đeo cẩn đá mã não onyx và những hạt kim cương nâu được mài tròn hoàn hảo như những viên bi nhỏ.

Vòng tay đính kim cương sử dụng kỹ thuật cắt cabochon

Vòng tay đính kim cương sử dụng kỹ thuật cắt cabochon

Dù là lần thứ hai tham quan triển lãm nhưng tôi vẫn không thôi say mê ngắm nhìn những tuyệt phẩm và có lẽ hiếm khi được xem lại. Tôi rất ấn tượng một câu nói của cô chuyên gia. “Tại Cartier, chúng tôi rất trân trọng những viên đá quý hiếm, đó là những tinh hoa của thiên nhiên. Chúng tôi đưa ra những mẫu thiết kế dựa theo đặc tính riêng của từng viên đá, để tôn lên vẻ đẹp độc đáo và chiều sâu của viên đá ấy”. Và triển lãm này đã thực sự chứng minh điều đó.

Bạn có biết:

Trong số 600 tác phẩm trưng bày lần này, có 60 mẫu trang sức lần đầu tiên ra mắt trên toàn thế giới ngay tại Singapore. Đây cũng là lần đầu tiên Cartier tổ chức một triển lãm với quy mô nhiều tác phẩm đương đại như vậy trong lịch sử. Bởi tính exclusive như thế, hãng đã mời 600 khách từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có đông đảo giới truyền thông quốc tế đến Singapore để thưởng thức. Sau đó, triển lãm đã mở cửa đón công chúng tham quan trong một ngày duy nhất, 31-10.

Tôn trọng truyền thống, không ngừng cách tân 

Arnaud Carrez

Ông Arnaud Carrez, Giám đốc Marketing và Truyền thông Quốc tế của Cartier chia sẻ với Bazaar những tâm đắc của ông về buổi triển lãm cũng như về thương hiệu mà ông đã gắn bó suốt 18 năm.

Bazaar: Chào ông. Được biết ông đã có kinh nghiệm tham gia tổ chức nhiều triển lãm cho Cartier trước đây. Vậy ông thấy buổi triển lãm lần này thế nào? Nó có ý nghĩa như thế nào đối với lịch sử của Cartier?

Arnaud Carrez (A.C): Triển lãm Étourdissant này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Cartier, vì đã lâu rồi chúng tôi chứa có một triển lãm high jewellery quy mô như thế ở Châu Á. Chúng tôi muốn mang đến một trải nghiệm tuyệt vời cho người xem và giới truyền thông. Và chúng tôi đã thật sự làm được. Tôi nghĩ điều mà mọi người thích nhất ở triển lãm lần này là nhìn thấy được phong cách, kỹ thuật tinh xảo cũng như lịch sử của Cartier trong đó. Và đó chính xác là những yếu tố khiến Cartier khác biệt hẳn so với các nhà kim hoàn khác.

Bazaar: Trong 600 mẫu trang sức trưng bày lần này, ông ấn tượng nhất là thiết kế nào? 

A. C: Tôi nghĩ mình thích nhất là bộ Tuitti Fruitti, bởi vì chúng đại diện cho tinh thần của nhà Cartier, đó là liên tục cách tân dựa trên truyền thống. Hãy nhìn những mẫu thiết kế của Tuitti Fruitti, kể từ khi ra đời vào giữa thập niên 1920, bạn có thể nhận thấy sự kết hợp màu sắc đa dạng của các loại đá sapphire, ruby, emerald… trong tạo hình của những chiếc lá, những đóa hoa đang nở. Đó là cảm hứng mà chúng tôi có được từ văn hóa Ấn Độ. Từ đó đến nay Cartier đã tạo ra rất nhiều mẫu thiết kế dựa trên chủ đề này. Tuitti Fruitti là một trong những trang sức cao cấp phức hợp đặc trưng và độc đáo nhất của Cartier. Nếu bạn nhìn những thiết kế của Tutti Fruitti trước đây và hiện nay, bạn sẽ thấy một đặc điểm chung, đó là phong cách của Cartier. Dòng sản phẩm này như những ngôn ngữ sống động thể hiện giá trị, tính nhất quán và nguyên bản của Cartier.

Bazaar: Ông đã làm việc tại nhà Cartier trong suốt 18 năm. Vậy điều gì ở Cartier khiến ông gắn bó lâu dài đến vậy?

A.C: Đó là truyền thống tiên phong mạnh mẽ ở Cartier, cũng như tinh thần tự do và đam mê. Trên hết, tôi cũng rất thích cách Cartier tôn trọng những người sáng tạo ra sản phẩm, những nghệ nhận, những nhà thiết kế… Đó là văn hóa chung của Cartier. Hơn nữa, Cartier còn là một trong những thương hiệu kim hoàn cao cấp nhất thế giới nổi tiếng với tính nguyên bản. Tôi chia sẻ nhiều giá trị chung với Cartier và đó là lý do tôi gắn bó với thương hiệu.

Bazaar: Ông có thể chia sẻ với Bazaar một kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông về trang sức trong thời gian làm việc cho Cartier?

A.C: Với tôi, có một chuyện rất khó quên khi chúng tôi tổ chức triển lãm ở Mexico. Đó là vào năm 1999. Khi ấy, chúng tôi mời ngôi sao Mexico là nữ diễn viên Maria Felix tham gia. Bà ấy rất đam mê trang sức của Cartier. Bà đã đặt chúng tôi làm một chiếc vòng cổ cá sấu. Tôi có dịp gặp bà trong buổi tiệc tối của sự kiện. Lần đó chúng tôi còn mời cả cô đào Salma Hayek. Và cả hai ngôi sao có dịp gặp gỡ nhau lần đầu tiên tại đêm tiệc. Dù đều là người Mexico nhưng họ chưa từng diện kiến nhau trước đây. Đó thật sự là khoảnh khắc của quá khứ, hiện tại và tương lai. Cả hai đại diện cho hai thế hệ và họ đều rất yêu chuộng Cartier. Họ chính là những biểu tượng mạnh mẽ đại diện cho những gì Cartier muốn hướng đến. Chúng tôi tôn trọng truyền thống và không ngừng đổi mới. Vì thế đó là hình ảnh mà tôi nhớ nhất.

Bazaar: Cảm ơn ông đã chia sẻ những câu chuyện thú vị cùng Bazaar!

Một số tuyệt phẩm trưng bày tại triển lãm

Để làm nên kiệt tác vòng cổ Agra, các nghệ nhân nhà Cartier đã phải trải qua hơn 5000 giờ làm việc cần mẫn. Họ phải chế tác phần khung bạch kim sao cho tối giản nhất để làm nổi bật các loại đá quý như ruby, sapphire, emerald. Thiết kế mang đậm phong cách Tutti Frutti với hình ảnh hoa trái và những chiếc lá.

Để làm nên kiệt tác vòng cổ Agra, các nghệ nhân nhà Cartier đã phải trải qua hơn 5000 giờ làm việc cần mẫn. Họ phải chế tác phần khung bạch kim sao cho tối giản nhất để làm nổi bật các loại đá quý như ruby, sapphire, emerald. Thiết kế mang đậm phong cách Tutti Frutti với hình ảnh hoa trái và những chiếc lá.

TRIEN-LAM-TRANG-SUC-ETOURDISSANT-CARTIER-2 TRIEN-LAM-TRANG-SUC-ETOURDISSANT-CARTIER-3 TRIEN-LAM-TRANG-SUC-ETOURDISSANT-CARTIER-6 TRIEN-LAM-TRANG-SUC-ETOURDISSANT-CARTIER-8 CARTIER-ETOURDISSANT-TRANG-SUC- 5.49.52 PM CARTIER-ETOURDISSANT-TRANG-SUC- 5.50.09 PM CARTIER-ETOURDISSANT-TRANG-SUC- 5.50.26 PM CARTIER-ETOURDISSANT-TRANG-SUC- 5.50.38 PM CARTIER-ETOURDISSANT-TRANG-SUC- 5.50.50 PM CARTIER-ETOURDISSANT-TRANG-SUC- 5.51.08 PM

Bài: Nhi Ong – Nguồn: Cartier

 Harper’s Bazaar Việt Nam 

Xem thêm