Trong những ngày tháng Ba và tháng Tư năm 2022, họa sỹ Nguyễn Thái Tuấn mở triển lãm cá nhân mang tên Đợi ngày cạn gió. Tiêu đề này được lấy ý tưởng từ bài thơ Những ngày cạn gió của Huy Tưởng.
Cái tên Nguyễn Thái Tuấn lần đầu tiên được biết đến năm 2008 khi anh mở triển lãm cá nhân đầu tiên. Qua tranh vẽ, anh chia sẻ các quan sát về thân phận con người thông qua loạt tác phẩm Tranh Đen. Gần như ngay lập tức, tranh của anh đã xuất hiện trên hàng loạt diễn đàn văn nghệ, hội họa và các bài bình luận liên ngành về xã hội, chính trị. Triển lãm mới của anh cũng dự kiến sẽ gây tiếng vang tương tự.
Mở ra những suy tàn
Thập niên 2000 chứng kiến sự nở rộ đúng nghĩa của dòng văn nghệ phi-chính thống. Nở rộ theo cách văn nghệ đến với công chúng, các tác phẩm đến với khán giả, những ý niệm di chuyển xuyên biên giới.
Cũng đúng lúc đó, 10 năm trước, Tuấn hợp tác với Sàn Art lần thứ hai, và sau đó triển lãm quốc tế ở nhiều nơi với loạt tác phẩm Di Sản trong đó anh “khám phá vai trò của người hùng và đao phủ trong lịch sử,” vẫn qua một loạt các nhân vật không tên được đặt trên bối cảnh tiêu điều, trong các căn phòng thuộc địa cũ kỹ, và dưới bầu trời “quê hương tan rã”.
Bóc tách khỏi các lớp màu sắc cảm xúc ảm đạm, tác phẩm của Tuấn là một diễn ngôn xã hội nghiêm túc, và đầy tính thời sự. Đó, nếu không phải đại diện cho hầu hết thế hệ nghệ sĩ-trí thức chân chính, cũng là cách anh thể hiện một tâm thế sống, một cách sáng tác với lòng tự trọng trong thời điểm nghệ thuật hoang mang giữa trắng-đen của lịch sử.
Nhiều văn luận từ các giám tuyển, nhà phê bình trên các diễn đàn người Việt và ngoại quốc trong suốt mười năm qua cũng gợi ý cách đọc về ngôn ngữ hội hoạ, sự ảnh hưởng của các trường phái thị giác cũng như các cách đọc về chủ đề, biểu tượng qua lăng kính lịch sử-xã hội trong tranh của anh.
Đợi ngày cạn gió
Các bộ tác phẩm của Tuấn, nhìn chung chia sẻ với nhau bầu khí quyển từ cách sử dụng màu sắc, ánh sáng, phân bổ không gian, đến sự hiện diện của những di tích đặc trưng và các cá nhân vô danh. Dưới góc độ kí hiệu học, các hình tượng và hành động lặp lại suốt các bộ tác phẩm của Tuấn như một mô-típ. Chúng tồn tại vượt trên ngôn ngữ nói, đụng chạm đến nhiều giác quan khác nhau của người xem và từ đó tạo ra ý nghĩa.
Tranh của Nguyễn Thái Tuấn có thể là sự giải phóng cho những hứa hẹn của tương lai. Anh buông thõng, làm kẻ đứng ngoài, xa lánh những lên xuống của vận mệnh lịch sử. Hiện tại và tương lai là căn phòng trống, với lẩn khuất đâu đó những Linh hồn vô danh, là hậu kiếp của những con người vô danh, trở về với trạng thái nguyên thuỷ của chính họ.
Chúng, như cách Rousseau nói, là “những sinh vật sợ hãi, cô lập với những nhu cầu có giới hạn, và với chúng tình dục chứ không phải gia đình mới là thứ quen thuộc nhất”. Chúng không chờ đợi điều gì lớn lao, mà nhởn nhơ giữa thời gian, tồn tại ẩn dật, song song cùng trời đất. Chúng thấm vào tường, lẫn vào từng thớ đệm, rồi hoà mình vào không khí, u uất, ẩn dật. Chúng lãng phí ngày, để “chờ ngày cạn gió,” có điều trong tranh của Tuấn, ngày và đêm chẳng bao giờ còn gió nữa.
THÔNG TIN CHO BẠNTriển lãm Đợi ngày cạn gió của nghệ sĩ Nguyễn Thái Tuấn Thời gian triển lãm: 01.03.2022 – 23.04.2022 Địa điểm: 195/14 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.17, Q. Bình Thạnh, TP. HCM |
GIẤC MƠ HƯ ẢO TẠI TRIỂN LÃM TRANH THỤY KHÚC CỦA HỌA SỸ THỤY DƯƠNG
LAVELLE TRIỂN LÃM TRANH PHƯƠNG QUỐC TRÍ, MỞ MÀN CHUỖI SỰ KIỆN GIỚI THIỆU NGHỆ SỸ VIỆT
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam