Chiếc túi nhái (cầm trên tay) được bày bán cùng các sản phẩm thật tại một cửa hàng Louis Vuitton ở Maryland, Mỹ
Đầu tháng Một hàng năm, Bazaar lại tổ chức hội nghị chống hàng giả. Hoạt động này của tạp chí được rất nhiều hãng, các nhà thiết kế và khách hàng thực thụ của thời trang ủng hộ. Nạn hàng nhái và đạo ý tưởng không chỉ là mối bận tâm của các hãng thời trang mà còn khiến các fashionista phiền lòng.
Hàng nhái ngập tràn
Nếu đến Hồng Kông, ghé chợ đêm phố Temple, bạn có thể thấy túi monogram của Louis Vuitton, khăn kẻ ca-rô của Burberry, giày Gucci, mắt kính Prada xếp chật ních trên loại bàn kê như xe đẩy hành lý ở sân bay. Tất cả đều là hàng nhái. Chỉ cần đụng vào chiếc đồng hồ giả, chủ hàng sẽ sẵn sàng giới thiệu cả một catalogue đầy mẫu đồng hồ nhái đủ các hãng, tha hồ mà chọn. Du khách có người chỉ tò mò xem cho biết, nhưng cũng không ít người coi chợ đêm này và những khu chợ ở khắp Trung Quốc, Thái Lan… là nơi săn các món hàng hiệu nhái. Chỉ bỏ một món tiền nhỏ hơn hàng chục, thậm chí cả trăm lần để có một bản sao gần như nguyên xi với hàng bán trong boutique sang trọng, ai lại không bị cám dỗ? Họ lấy làm vui thú lắm và truyền tai nhau trải nghiệm du lịch độc đáo không thể thiếu này.
Nói riêng về Trung Quốc, đây là thị trường rộng lớn đầy tiềm năng mà bất cứ hãng thời trang nào cũng khao khát được đặt chân đến. Thế nhưng, “công xưởng sản xuất hàng giả lớn nhất hành tinh” này cũng khiến họ đau đầu. Thuế nhập khẩu cao tại các nước đang phát triển vô tình trở thành cớ cho nạn sản xuất hàng giả hoành hành. Đã vậy, ở một nơi còn nhiều người không thể với tay đến hàng xa xỉ phẩm thì việc càng quảng cáo nhiều càng khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn.
Người ta vốn xem việc làm hàng giả không gây nguy hại đến nạn nhân nào mà chỉ là kinh nghiệm săn lùng hàng rẻ. Nhưng sự thật, đó là thứ tội ác làm nơi náu thân cho nạn bóc lột sức lao động trẻ em, thậm chí cung cấp tài chính cho các tổ chức khủng bố. Ít người mua hàng nhái nào hình dung được những gì đang diễn ra ở nơi khai sinh ra món đồ đó. Trong cuốn sách Deluxe: How Luxury Lost Its Luster, tác giả Dana Thomas kể câu chuyện thương tâm về chuyến đi đến một nhà máy lắp ráp ở Thái Lan. Ở đó có khoảng bảy đứa trẻ dưới mười tuổi đang cặm cụi ngồi ráp các túi xách nhái. Chân của các em đều bị chủ đánh gãy rồi tàn nhẫn cột cẳng chân vào đùi để nó không lành lại được nữa chỉ bởi chúng đòi được chạy ra ngoài chơi.
Tuy vậy, sẽ thật oan uổng nếu chỉ nói các nước đang phát triển là thị trường và công xưởng của hàng giả. Nước Ý với một nền thời trang phát triển rực rỡ là vậy lại đồng thời là nơi tiêu thụ và làm ra lượng không nhỏ sản phẩm may mặc và phụ kiện nhái. Nước Mỹ cũng không nằm ngoài dòng chảy đen này. Trên con phố Canal, New York, bạn có thể bắt gặp khu chợ trời với túi Prada, Burberry giả mạo bày trên những tấm chăn để dễ dàng túm lại và chạy đi khi cảnh sát ập tới. Cảnh tượng đó chỉ diễn ra cách thiên đường mua sắm Barney’s và Bergdorf Goodman vài dãy nhà.
Cuộc chiến của các “ông lớn”
Louis Vuitton, một trong những thương hiệu có sản phẩm bị làm nhái nhiều nhất, đã tuyển mộ 40 luật sư toàn thời gian và 250 nhân viên điều tra cũng như tiêu tốn hơn 15 triệu euro (khoảng 407 tỷ đồng) mỗi năm chỉ để chống lại nạn hàng nhái. Hãng Cartier cũng đang theo đuổi vài trăm vụ sản xuất và buôn bán hàng giả. Ngoài ra, tất cả các hãng lớn đều cử điều tra viên theo dấu các trang bán hàng qua mạng, sử dụng những phương pháp của cơ quan điều tra tội phạm chuyên nghiệp để truy quét nạn bán đồ giả này.
Năm qua, mặt trận “đánh đuổi” hàng giả cũng đạt được nhiều thắng lợi. Hồi tháng Sáu năm ngoái, tòa án đã đòi được cho hãng thời trang Tory Burch 166 triệu đô-la Mỹ (3.453 tỷ đồng) tiền bồi thường thiệt hại và buộc 232 tên miền bán hàng nhái của thương hiệu này vĩnh viễn ngừng hoạt động. Cùng thời điểm, tại Canada, ba công ty đã bị gửi trát yêu cầu bồi thường cho hãng Louis Vuitton và Burberry gần 2,5 triệu đô-la Mỹ (khoảng 52 tỷ đồng). Đây là vụ án về hàng gian và vi phạm luật bản quyền lớn nhất trong lịch sử xứ sở lá phong.
Năm 2012 Hiệp hội các nhà thiết kế thời trang Mỹ (CFDA) và trang bán hàng trực tuyến eBay từng cùng khởi xướng một phong trào chống hàng nhái có tên You Can’t Fake Fashion. Các nhà thiết kế Mỹ nổi tiếng bao gồm cả Diane von Furstenberg, Ralph Lauren, Tommy Hilfiger, Jason Wu… đã hợp tác cho ra đời một dòng túi có in câu khẩu hiệu đó.
Mượn ý tưởng hay vi phạm bản quyền
Các thương hiệu cao cấp tin rằng những cải tiến thường xuyên trong thiết kế và kỹ thuật thủ công tinh xảo là đặc điểm đủ để phân biệt thật và giả. Tuy nhiên, bên kia chiến tuyến của họ không chỉ có những kẻ giấu mặt chuyên làm đồ nhái. Điều gì xảy ra khi các hãng sao chép thiết kế của một nhãn hiệu khác?
Mùa thu năm ngoái, nhà thiết kế túi xách Monica Botkier đã gửi một lá thư cảnh cáo đến Sears. Cô phát hiện ra nhà bán lẻ độc quyền cho dòng túi xách của chị em nhà Kardashian đã rao bán một mẫu thiết kế của các ngôi sao này gần giống như đúc với một kiểu túi của cô. Sau đó, Sears đành cất vào kho mẫu túi này, không bày bán nữa. Vụ việc dấy lên một vấn đề tế nhị là ranh giới mong manh giữa chuyện mượn cảm hứng sáng tạo và bắt chước hoàn toàn. Chẳng nói đâu xa, đi xem các show thời trang ở Việt Nam, khán giả đôi khi lại cảm thấy cái đầm này quen quen, cái kiểu mạng che mặt kia đã gặp ở đâu rồi… Lúc đầu, người ta ồn ào bàn tán vì cái sự “quen” ấy, nhưng rồi cũng dần quên đi. Đúng là sự khác biệt giữa tham khảo và ăn cắp ý tưởng cũng khó mà xác định được.
Hiện tượng này được chú ý hơn cả vào khoảng vài năm trước, khi bùng lên vụ kiện của Christian Louboutin với Yves Saint Laurent vì hãng kia cho ra mắt mẫu giày đế đỏ mà ai cũng biết là đặc trưng của Louboutin. Ông hoàng giày đế đỏ khẳng định mình là người đầu tiên nảy ra ý tưởng sơn đế màu này cho giày nữ. Yves Saint Laurent đáp trả kiểu đế màu đỏ đã có từ thời vua Louis XIV (Pháp) từ thế kỷ XVII, nhân vật Dorothy cũng mang giày đỏ trong phim Phù thủy xứ Oz (1939)… Kết luận sau phiên sơ thẩm đối với Christian Louboutin có lẽ là một chuyện thật trớ trêu: không thương hiệu nào có thể độc quyền về màu sắc. Vị quan tòa Victor Marrero cho rằng: “Nếu cho phép một họa sỹ hay nhà thiết kế toàn quyền chiếm hữu một màu sắc nào đó, điều này không chỉ ảnh hưởng đến khía cạnh kinh tế mà còn cả về nghệ thuật nữa”. Vẫn chưa biết quyết định cuối cùng sẽ có lợi cho phía nào. Thế nhưng, nhiều người đang nghĩ đến cảnh tượng các hãng giày bình dân sẽ đột nhiên chuyển sang sơn màu đỏ cho đế giày của mình. Vậy là điểm đặc trưng của Christian Louboutin mà các tín đồ thời trang xưng tụng lâu nay sẽ bỗng chốc tan biến.
Siêu giả đánh lừa được cả siêu sao
Nhìn về phía người tiêu dùng, nhiều khi chính họ cũng bị đánh lừa vì các hàng nhái quá tinh vi. Ngay cả các tín đồ hàng hiệu Victoria Beckham hay Anna Kournikova đều từng bị bắt gặp dùng hàng Chanel và Louis Vuitton nhái mà bản thân chẳng hay biết gì. Tuy nhiên, đó không phải là lý do để thông cảm cho tất cả các trường hợp nghệ sỹ dùng hàng giả. Tôi biết nhiều diễn viên, người mẫu Việt cố tình sắm rất nhiều sản phẩm “gần hiệu” để bằng chị bằng em. Đó là thói đua đòi của thời đại mà danh tiếng được đong đếm bằng vật chất, quần áo. Thậm chí còn có cả một địa chỉ chuyên cung cấp hàng nhái cho các sao để thỏa mãn suy nghĩ lệch lạc ấy.
Ở Việt Nam, chỉ cần tra chữ “hàng fake” trên Google là bạn có thể tìm ra vô vàn địa chỉ bán hàng nhái công khai. Phải chăng là ở xứ ta, chuyện đó quá quen như “chuyện thường ngày ở huyện”. Cứ thấy hợp nhãn, vừa túi tiền, đúng thứ đang cần là mua, khách hàng đâu biết đó là đồ làm nhái, mà nhiều khi biết rồi, họ vẫn cứ mua như thường.
Thế mới thấy, cuộc tranh đấu không ngừng nghỉ giữa các hãng thời trang với hàng giả, hàng nhái vẫn còn lắm nỗi gian lao. Dẫu vậy, có một điều chắc chắn là với giới mộ điệu, sẽ không gì thời trang và cuốn hút bằng những thứ thực sự là chính nó chứ không phải bản sao của ai khác. Cái gì thật sẽ luôn luôn có giá trị như tuyên ngôn chống hàng giả của Harper’ Bazaar: Fakes are never in fashion.
Bài : Diễm Trinh – Ảnh: Reuters