Có ý kiến cho rằng: Thế giới sẽ khác biệt mãi mãi hậu Covid-19. Nhận định này không sai, ít nhất là trong thời trang. Đây là một trong ba ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch.
Sau 18 tháng tạm ngưng các show diễn truyền thống, đầu tháng Chín, tuần lễ thời trang chính thức trở lại. Bắt đầu từ New York, sang London, Milan rồi kết thúc ở Paris, một tháng thời trang đã diễn ra sôi động. Các show diễn, nhà thiết kế, người mẫu, nhiếp ảnh gia, fashionista, báo giới… lại nô nức tụ họp.
Mọi thứ thoạt tiên như thể hệt như khi Covid-19 chưa xuất hiện. Tuy vậy, những cuộc dịch chuyển đang diễn ra trong thời trang. Làng mốt cần những giải pháp rõ rệt, những bước chuyển mình đột phá, để tái cơ cấu một cách bền vững và phù hợp hơn với thời đại.
Các tuần lễ thời trang đã hình thành như thế nào?
Các buổi trình diễn thời trang đã tồn tại cách đây hai thế kỷ. “Défilés de mode” hay “buổi trình diễn thời trang” được tổ chức ở Paris vào đầu thế kỷ 18 như một cuộc giao thương giữa khách hàng và nhà thiết kế. Ban đầu, trang phục được trình diễn trên ma-nơ-canh. Mãi đến những năm 1850, cha đẻ của thời trang cao cấp, Charles Frederick Worth, mới giới thiệu những tác phẩm may đo của mình trên cơ thể người phụ nữ thật. Nghề mẫu ra đời từ đây.
Năm 1903, người Mỹ áp dụng concept trình diễn này tại cửa hàng Ehrich Brothers ở New York. Đây được xem là show diễn thời trang đầu tiên của Mỹ. Các show diễn thời trang kiểu này phổ biến khắp nước Mỹ trong suốt thập niên 1920–1930.
Đến những năm 1940, giới thời trang Mỹ vẫn phụ thuộc vào Pháp, nơi trình diễn thời trang hai lần mỗi năm để giới thiệu sản phẩm, xu hướng đến công chúng. Thế chiến thứ Hai nổ ra khiến giới tinh hoa Mỹ không thể bay sang Pháp. Năm 1943, Eleanor Lambert ra mắt Press Week (Tuần lễ dành cho báo giới), để các nhà thiết kế giới thiệu sản phẩm đến công chúng và khách hàng. Press Week là tiền thân của Tuần lễ thời trang New York ngày nay.
Năm 1958, Tuần lễ thời trang Milan ra đời. Năm 1973, Tuần lễ thời trang Paris chính thức đầu tiên diễn ra, được giám sát bởi người sáng lập Tuần lễ thời trang New York, Eleanor Lambert. Tại London, Hội đồng thời trang Anh quốc thành lập Tuần lễ thời trang London vào năm 1984.
Bốn tuần lễ thời trang này được xem là danh giá nhất, quy tụ nhiều nhà mốt hàng đầu thế giới. Hằng năm, hai mùa Tuần lễ thời trang sẽ tổ chức tại bốn kinh đô thời trang kể trên. Bên cạnh đó còn có tuần lễ thời trang Sao Paulo, Seoul, Couture Fashion Week…
Cách thay đổi để phát triển bền vững
Thời trang là ngành công nghiệp tiêu thụ nguồn nước lớn thứ hai toàn cầu. Lượng khí carbon thải ra môi trường chiếm từ 8–10%, nhiều hơn lượng phát thải từ các máy bay và tàu thủy cộng lại. Vì thế năm nay, thời trang bền vững, chất liệu tái chế – các nỗ lực biến thời trang thành ngành công nghiệp “xanh” trở thành xu hướng nổi bật.
Mùa Xuân Hè 2022, Stella McCartney ra mắt túi Frayme Mylo™️ làm từ nấm tại Paris. Chất liệu này có bề mặt tựa như da thật, nhưng hoàn toàn tự nhiên và có thể phân hủy sinh học. Stella McCartney vẫn luôn theo đuổi thời trang bền vững trong suốt sự nghiệp thiết kế của mình.
STELLA MCCARTNEY DEBUT TÚI XÁCH GIẢ DA LÀM TỪ NẤM TRÊN SÀN DIỄN XUÂN HÈ 2022
TƯƠNG LAI CỦA THỜI TRANG LÀ…NẤM: NGUỒN CHẤT LIỆU CHO THỜI TRANG BỀN VỮNG
Trước đó, tại Tuần lễ thời trang London, Edeline Lee trình làng bộ sưu tập với 32 thiết kế may từ vải cũ trong xưởng. “Tôi thấy sai trái khi khi mua vải mới, nên quyết định tận dụng vải thừa để làm bộ sưu tập”, nhà thiết kế chia sẻ.
Danh sách các nhà thiết kế mang thời trang bền vững vào Tuần lễ thời trang London còn kéo dài với Isabel Manns, Deborah Latouche, Karina Bondareva…
Collina Strada khiến công chúng tán thưởng với bộ sưu tập trình diễn tại Tuần lễ thời trang New York. Tính bền vững là trái tim của bộ sưu tập, với các thiết kế làm từ vải thừa, vải tái chế hay chai nhựa được tái sử dụng thành phụ kiện cho người mẫu. Thương hiệu còn kết hợp với Levi’s để ra mắt dòng quần jeans, đồ bơi bền vững và trang sức tái chế.
Cũng trong khuôn khổ Tuần lễ thời trang New York, Bevza sử dụng vải dệt kim làm từ chai nhựa đã qua sử dụng. Trong khi đó, Rachel Comey không trình làng thiết kế mới, mà mang những thiết kế cũ trong kho lưu trữ 20 năm qua đến với công chúng.
Tại tuần lễ thời trang Milan, thời trang bền vững cũng được đề cập thông qua các hội thảo do tạp chí WWD chủ trì. Cần nói thêm, tính bền vững của thời trang không dừng lại ở việc tái sử dụng nguồn vải, hay bảo vệ môi trường. Một thương hiệu chỉ bền vững khi cân bằng được các yếu tố bảo vệ môi trường, con người và những giá trị nhất định cho cộng đồng.
Các tuần lễ thời trang thêm đa dạng hậu đại dịch
Thời trang là bức tranh phản ánh những quan điểm và bối cảnh xã hội. Sau đại dịch, thời trang đa dạng hơn. Điều này biểu hiện rõ trong việc sử dụng người mẫu. Ngày càng nhiều người mẫu ở mọi độ tuổi, kích cỡ, sắc tộc, giới tính trình diễn tại tuần lễ thời trang.
Bohn Jsell tôn vinh văn hóa châu Phi tại Tuần lễ thời trang New York. Người mẫu 60 tuổi gốc Việt Ánh Dương tái xuất trong show của Peter Do. Michael Kors, Jason Wu và hầu hết các nhà thiết kế đều sử dụng người mẫu ngoại cỡ. Người mẫu chuyển giới hay phi giới tính cũng xuất hiện nhiều hơn, gấp 5 lần so với mùa Thu 2021. Jonathan Simkhai, Gabriela Hearst, The Blonds, Prabal Gurung, Collina Strada, Moschino, Batsheva… đều có sự góp mặt của người mẫu chuyển giới. Bimini Bon Boulash và Tayce, hai ngôi sao chuyển giới từ chương trình RuPaul’s Drag Race trình diễn cho Richard Quinn tại Tuần lễ thời trang London.
Đây là tín hiệu đáng mừng, khi thời trang trở nên cởi mở hơn và là sân chơi cho tất cả mọi người.
Những thế hệ kế tục
Gen Z hay Y2K là những từ khóa nổi bật của tuần lễ thời trang Xuân Hè 2022. Trên sàn diễn, công chúng chứng kiến sự trỗi dậy và thống trị của Gen Z.
Dua Lipa, giọng ca sinh năm 1995 là vedette trong show diễn của Versace. Dolce & Gabbana thực hiện show diễn tôn vinh cá tính người trẻ. Một thế hệ mới của biểu tượng thời trang dần xuất hiện. Có thể kể đến là Lourdes Leon (con gái Madonna) tại show diễn của Versace. Lila Grace Moss Hack (con gái Kate Moss) trình diễn cho Fendace, Miu Miu. Iris Law (con gái Jude Law) xuất hiện với cương vị đại sứ của nhà Dior.
Thay đổi, tái cơ cấu để phát triển bền vững hơn. Bên cạnh đó, luôn hướng về tương lai. Đó là cách để thời trang vượt qua đại dịch toàn cầu và trở lại.
XU HƯỚNG LÀM ĐẸP HẬU ĐẠI DỊCH COVID-19 SẼ THAY ĐỔI THẾ NÀO?
TƯƠNG LAI NGÀNH THỜI TRANG VIỆT: MUỐN PHỤC HỒI PHẢI THAY ĐỔI
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam