Uống trà giảm cân có hại không? Đọc ngay để biết

Các loại trà giảm cân được quảng cáo là thúc đẩy trao đổi chất, đốt cháy mỡ bụng và thanh lọc toàn cơ thể. Tuy nhiên, trà giảm cân có thật sự là ''thần dược'' không gây ra tác hại nào?

uống trà giảm cân có hại không

Nhiều người vì muốn giảm cân nhanh nên dùng trà giảm cân. Vậy uống trà giảm cân có hại không? Và nó có thực sự tốt như quảng cáo?

Trà giảm cân có phải là trò lừa bịp trên mạng?

Những ngôi sao mạng xã hội có thể kiếm được rất nhiều tiền từ việc thổi phồng các loại teatox (chơi chữ từ tea detox – trà giảm cân) mà họ thậm chí còn không uống.

So với các loại trà thông dụng mà chúng ta vẫn uống từ xưa đến nay (trà xanh, đen, trắng, ô long…), thì teatox đắt đỏ hơn mà lại không an toàn bằng. Uống trà giảm cân có hại không? Chúng có thể khiến chu kỳ kinh nguyệt của bạn trở nên thất thường dẫn đến mang thai ngoài kế hoạch, ruột bị tổn hại lâu dài…

Teatox không phải là một phương pháp giảm cân được khoa học chứng nhận. Cùng lắm thì đó là một loại trà nhuận trường khiến bạn tiêu tiểu nhiều hơn, nhưng nó cũng có tác dụng phụ.

Mạng xã hội Instagram gần đây đã chặn những quảng cáo giảm cân cho người dưới 18 tuổi. Họ cho rằng đây là những quảng cáo phóng đại sự thật, khiến người ta có cái nhìn lệch lạc về việc giảm cân.

Thực tế đã có ít nhất hai vụ kiện tố cáo các công ty quảng cáo sai sự thật về trà giảm cân của họ. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng chưa chứng nhận loại trà nào có hiệu quả giảm cân.

>>> Bạn có thể quan tâm: CÁC LOẠI SINH TỐ GIẢM CÂN

Khoa học chưa có bằng chứng về công dụng giảm cân của trà ”teatox”

trà thảo mộc

Chưa có nhiều nghiên cứu về trà giảm cân trên người.

Trong số các loại trà thì trà xanh là lựa chọn phổ biến và được các nhà khoa học đánh giá cao về mặt sức khỏe. Trà xanh giúp hạ huyết áp và giàu các hợp chất flavonoid tốt cho sức khỏe tim mạch.

Tuy nhiên, việc lạm dụng trà để giảm cân có thể gây hại thận. Những tuyên bố về việc trà có tác dụng giảm cân là chưa chính xác. Nhiều nghiên cứu chỉ được tiến hành trên chuột chứ chưa hề được khảo sát trên người.

Chẳng hạn, có bằng chứng cho rằng uống trà xanh giàu catechin sẽ giúp đốt chất béo nhanh hơn. Nhưng các chuyên gia khẳng định kết luận này chỉ được rút ra dựa trên một nhóm nhỏ người tham gia khảo sát, do đó nó không hoàn toàn đáng tin. Một số nghiên cứu khác chỉ được tiến hành trên nam giới hoặc cho kết quả khác nhau giữa các chủng tộc khác nhau.

Bên cạnh đó, việc tìm hiểu về chuyển biến sức khỏe của những người uống trà cũng không dễ. Những người uống trà hàng ngày thì thói quen sinh hoạt và lối sống của họ cũng tương đối lành mạnh. Do đó rất khó đoán định sức khỏe của họ tốt là do lối sống hay chỉ do việc uống trà mang lại.

Huống chi uống quá nhiều trà sẽ gây hại thận vì trà chứa rất nhiều oxalate. Chẳng hạn cả ngày bạn đều uống trà thay nước lọc, tương đương 15-16 ly (khoảng 2-2 lít rưỡi) thì nhiều khả năng thận sẽ bị tổn thương.

>>> Bạn có thể quan tâm: THỰC ĐƠN GIẢM CÂN BẰNG YẾN MẠCH

Trong trà giảm cân có gì? Uống trà giảm cân có hại không?

Phan tả diệp có đặc tính nhuận trường mạnh

Phan tả diệp có đặc tính nhuận trường mạnh

Tùy vào sản phẩm, trà giảm cân có thể chứa các thành phần như rễ cây ngưu bàng (burdock root), rễ bồ công anh (dandelion root), quế, gừng, cam thảo hay chiết xuất cây kế sữa (milk thistle)… bên cạnh trà caffeine thông thường.

Tuy nhiên, thành phần đáng nói trong trà giảm cân là các chất kích thích như guarana (có thể nhiều gấp 4 lần caffeine trong cùng túi trà) và chất nhuận trường như senna hay lá senna (phan tả diệp). Phan tả diệp đã được FDA chứng nhận là thuốc kê toa trị táo bón.

Trà giảm cân tẩm thuốc nhuận trường gây hại tạng nặng nề

Trà giảm cân tẩm thuốc nhuận trường gây hại tạng nặng nề

Lạm dụng trà giảm cân có thể khiến cơ thể suy nhược

Một số loại trà không hề có công dụng “diet” mà chỉ chứa các thành phần lợi tiểu và nhuận trường. Một số còn được quảng cáo là giúp giảm cân thần tốc, điều này rất nguy hiểm vì về lâu dài có thể gây hại nội tạng.

Hiệp hội Rối loạn Ăn uống Quốc gia (Hoa Kỳ) có giải thích trên website rằng: “Chế độ giảm cân dựa trên việc “nhuận trường” chỉ chứa rất ít thực phẩm, chất béo hay calo. Nếu một người lạm dụng thuốc nhuận trường cho mục đích giảm cân, và không chịu bổ sung nước, thì họ có nguy cơ bị mất nước, đặt gánh nặng lên các cơ quan nội tạng và cuối cùng có thể dẫn tới tử vong”.

Uống trà giảm cân có hại không? Uống các loại trà tẩm chất nhuận trường sẽ khiến bạn phụ thuộc vào nó nếu muốn đại tiện, dẫn tới đại tràng bị suy giảm chức năng khiến gan cũng bị tổn thương.

Trà giảm cân chứa chất nhuận trường kết hợp chất lợi tiểu có thể dẫn đến thiếu kali máu, khiến cơ bắp yếu ớt đau nhức, suy giảm chức năng tim, chảy máu trực tràng, chóng mặt do mất nước, cơ thể suy nhược. Đó là lý do các bác sĩ khuyên chỉ dùng thuốc nhuận tràng để trị táo bón trong thời gian ngắn, chứ không phải dùng hàng ngày.

Một số người còn từng than phiền với tờ Vice và Daily Mail rằng tác hại của trà giảm cân khiến họ bị mất kinh, chậm kinh, thậm chí có thai khi đang sử dụng thuốc tránh thai.

>>> Bạn có thể quan tâm: SAO HÀN GIẢM CÂN BẰNG KHOAI LANG

Uống trà rất tốt nhưng đừng lạm dụng trà để giảm cân

Uống trà rất tốt nhưng đừng lạm dụng trà để giảm cân

Cũng giống như nước hay cà phê, uống bất cứ chất lỏng nào cũng giúp bạn no tạm thời và ăn ít đi. Nhưng việc uống trà với mục đích giảm cân thật sự có tác dụng rất ít.

Theo chuyên gia y khoa David Seres thuộc Viện Dinh dưỡng, Trung tâm Y khoa Đại học Columbia (Mỹ) cho biết: “Uống trà sẽ giúp giảm lượng calo nạp vào cơ thể. Lượng caffeine trong trà xanh có tác dụng giảm sự thèm ăn và thúc đẩy trao đổi chất nhẹ, nhưng đó chỉ là tác dụng ngắn hạn và không giúp giảm cân là bao”.

Dù cho caffeine đã được tăng liều lượng trong trà giảm cân, nhưng như vậy cũng không đáng kể. “Trừ khi bạn nạp các chất kích thích này với liều lượng rất lớn (giống như uống thuốc kê toa) và dùng dài hạn, thì may ra mới giảm cân được”, ông David Seres nói.

Tuy nhiên, như bạn cũng đã biết, caffeine không hoàn toàn tốt cho cơ thể. Mỗi người trưởng thành chỉ nên nạp 400mg caffeine mỗi ngày, không nên uống caffeine vào chiều tối sẽ dẫn đến khó ngủ. Lạm dụng caffeine có thể gây đau đầu, tăng huyết áp, mắc hội chứng ruột kích thích.

Uống trà giảm cân “nhuận trường” giúp đẩy nhanh tốc độ thải phân và nước ra ngoài, khiến cho cân nặng của bạn giảm tạm thời, nhưng đâu rồi lại vào đấy. Cũng giống như bạn bước lên cân lúc vừa ăn no và lúc đang đói bụng vậy, không cùng hệ quy chiếu thì không nói lên được điều gì.

trà xanh

“Trà giảm cân được xem như một loại thực phẩm bổ sung, do đó nó không được cơ quan quản lý siết chặt như các loại dược phẩm đã được FDA chứng nhận về độ an toàn và hiệu quả. Vì vậy khách hàng không nên chỉ tin tưởng thông tin in trên nhãn sản phẩm. Nếu có thành phần nào bị giấu đi không liệt kê trên nhãn hộp thì sẽ rất nguy hiểm. Nhiều khảo sát đã phanh phui bằng chứng cho thấy một số loại thực phẩm chức năng không in đầy đủ thành phần cần thiết”, Pieter Cohen, chuyên gia tại Đại học Y khoa Harvard (Mỹ) cho biết.

Như vậy là bạn đã biết uống trà giảm cân có hại không rồi. Trà tương đối rẻ tiền, dễ uống và giúp bạn điều hòa nhu cầu ăn uống. Nhưng trà không thể thay thế cho thức ăn. Nếu không có chế độ ăn uống cân bằng giàu dưỡng chất, thì việc lạm dụng trà xanh hay trà giảm cân “nhuận trường” đều khiến cơ thể kiệt quệ, lợi bất cập hại. Ngoài ra, chất axit và tannin trong trà có thể gây vàng răng nếu bạn uống hàng ngày. Vì thế nếu cẩn thận, bạn nên uống trà bằng ống hút nhé.

>> Xem thêm: 11 CÔNG DỤNG CỦA MATCHA ĐỐI VỚI SỨC KHỎE VÀ VÓC DÁNG

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm