Cận cảnh một tác phẩm trong buổi triển lãm “Lạc Chốn”
“Lạc Chốn”, buổi triển lãm phẩm sắp đặt lớn nhất từ trước đến nay của nghệ sĩ tài hoa Bùi Công Khánh sẽ diễn ra vào ngày mai, 23–06 tại The Factory Contemporary Art Centre (FCAC), một không gian sáng tạo nghệ thuật có kích thước hơn 1000m2, với quy mô chuẩn quốc tế. Đây là buổi triển lãm nằm trong dự án nghệ thuật lớn mang tên “Nhận thức thực tại”, được khởi tạo và tổ chức bởi “Sàn Art” qua chương trình hợp tác với quỹ “Prince Clause”. “Lạc chốn” được giám tuyển bởi Zoe Butt (Giám đốc điều hành và là người phụ trách của Sàn Art). Ðây là buổi triển lãm thứ hai, nằm trong chuỗi dự án nghệ thuật của FCAC nhằm mang nghệ thuật đương đại đến gần hơn với công chúng.
Những bức chạm khắc, những cột gỗ độc đáo, cửa sổ và các chi tiết tĩnh vật được làm từ gỗ mít xuất hiện trong sự kiện, mang đậm văn hóa của miền Trung Việt Nam, hứa hẹn sẽ mang đến nhiều bất ngờ và thú vị cho người thưởng thức.
Các sản phẩm nghệ thuật trưng bày lần này được làm từ chất liệu gỗ mít. Nghệ sỹ Bùi Công Khánh đã khéo léo thổi vào đó một sức sống, tinh thần vô cùng sống động. Đó là những bức chạm khắc đẹp đến kinh ngạc trên xà nhà, những cột gỗ độc đáo, cửa sổ và các chi tiết tĩnh vật khác mang bên trong mình vô số câu chuyện xoay quanh thành phố cổ ven biển miền trung Việt Nam – một thành phố luôn ngự trị trong tim nghệ sĩ, gắn liền với sự nghiệp cũng như lịch sử gia đình của Bùi Công Khánh. “Lạc Chốn” có thể ví von như một dạng pháo đài, được tác giả và nhóm các nghệ nhân chạm khắc gỗ và thợ mộc từ Hội An hoàn thành trong hai năm.
Tác giả bật mí “Lạc chốn” dùng cấu trúc trung tâm, mô phỏng một ngôi nhà, với chủ đích xây dựng không hoàn chỉnh, phần mái và tường không vững, sở hữu những khoảng không giữa các xà nhà, nơi những bức tường được dựng lên một cách ngẫu nhiên. Lấy những kĩ thuật kiến trúc phong kiến truyền thống của Huế (kinh đô cổ của Việt Nam cũng nằm ở ven biển miền Trung) làm phong cách chính, căn nhà được bao bọc bởi bốn cây bon-sai được thiết kế đầy nghệ thuật. Chúng đóng vai trò như những hộ vệ linh hồn cho cả công trình.
Các sản phẩm trưng bày sẽ mang đến cho người thưởng thức một không gian để lắng đọng, để suy tưởng về định kiến xã hội mà ta vô tình mang theo, nhằm đánh lạc hướng mỗi người ra khỏi nhận thức thực tế với hy vọng khơi gợi lại những câu chuyện giúp định hình nhân cách.
Được biết, nhân vật chính của buổi triển lãm – Bùi Công Khánh, là một nghệ sỹ quan tâm đặc biệt đến định kiến xã hội và di sản văn hóa. Là một trong những nghệ sĩ địa phương đầu tiên có danh tiếng quốc tế vào những năm 1990, tới nay anh đã được biết đến qua nhiều cuộc triển lãm thành công với đa dạng các thể loại khác nhau như: tranh, điêu khắc, sắp đặt, các đoạn phim ngắn,… được giới thiệu rộng rãi không chỉ trên khắp khu vực Ðông Nam Á mà còn trải rộng nhiều nơi trên thế giới.
Harper’s Bazaar Việt Nam