Không nặng về định kiến hay chịu ảnh hưởng bởi cảm xúc cá nhân; cách người nước ngoài nhìn nhận Hà Nội đang trở thành Paris của Việt Nam như thế nào khiến chúng ta không khỏi ngỡ ngàng.
Trong nhiều thế kỷ qua, cụm từ “nhà thiết kế thời trang” ở Việt Nam chỉ gói gọn trong hai chữ: thợ may. Nhưng đội ngũ các nhà thiết kế mới, trẻ trung đầy nhiệt huyết đang một lần nữa định nghĩa lại thuật ngữ đó; để tái tạo lại quan niệm về những gì từ lâu được xem là công việc “thứ cấp”.
Tại Hà Nội, các loại vải từ Pháp, Trung Quốc và truyền thống của Việt Nam đã dệt nên một thành phố năng động; với hàng loạt cửa hàng thời trang khiêm tốn nhưng có chất lượng cao mang thiết kế hiện đại. Chắc chắn, Hà Nội không thể thay thế các biểu tượng thời trang cao cấp của Paris hay Milan. Nhưng nơi này cũng không cần cố gắng để làm thế. Một phần vì Hà Nội thật duyên dáng. Nét đẹp ấy đủ quý giá để thu hút sự chú ý của chúng ta; ngang bằng hay thậm chí là hơn, những thủ đô thời trang khác.
Đọc thêm: Nhà thiết kế trẻ Trần Thị Tú – Cô gái nhỏ đã làm nên chuyện lớn.
Vũ Thảo, nhà thiết kế gắn liền với cái tên Kilomet109 – thương hiệu Việt thân thiện với môi trường, đã gắn mình với sứ mệnh giữ gìn di sản thời trang dệt may của Việt Nam. Những bộ phục trang của Thảo, từ bộ váy lụa voan; áo khoác da màu chàm; khăn choàng gai dầu hay những thiết kế lưng cao hình lấy cảm hứng từ thập niên 70; chính là tuyên ngôn rõ ràng nhất.
Mỗi mặt hàng của Thảo đều được làm thủ công, từ bàn tay khéo léo của Thảo cùng với các cộng sự đặc biệt – những phụ nữ Nùng, Thái và H’mông. Sử dụng kỹ thuật truyền thống, họ cùng nhau sản xuất ra thuốc nhuộm hữu cơ. Bản sắc Kilomet109 được tạo nên từ ấy, bởi những tấm vải được kéo dệt và nhuộm thật kỹ lưỡng. Dùng sáp ong để tạo mẫu batik; thêu hoạ tiết hoàng gia từ tư liệu xưa cũ; và thuê nghệ nhân làng cùng gia đình của họ… Có thể nói, Kilomet109 đang đi theo con đường độc nhất, kỳ lạ và cũng đầy mạo hiểm.
“Mọi người đang tìm kiếm điều gì đó độc đáo và có giá trị,” Thảo nói. “Giá trị không phải ở bề ngoài. Điều đó nằm ở nền văn hoá đằng sau nó; câu chuyện đằng sau nó; những người đứng sau nó; và những vấn đề môi trường đằng sau nó.” Thật vậy. Nếu gắn định nghĩa hàng thời trang may mặc vào ý niệm truyền thống; thì Vũ Thảo chính là cái tên haute couture hàng đầu ở Hà Nội. Sự gắn kết của cô với quần áo, từ từng cây bông đến móc treo bằng gỗ, đã cho thấy cách cô trân trọng chúng ra sao. Sự trân trọng ấy, lại không phải là điều ta dễ dàng thấy được kinh đô thời trang khác.
Đa sắc, đa diện, lẽ dĩ nhiên Hà Nội không chỉ có truyền thống. Điểm đến xinh đẹp này còn có những mảng màu khác rất hiện đại và mang đậm hơi thở của người trẻ. Một trong số đó chính là Ngô Thái Bảo Loan, người mang đến thành phố cách tiếp cận thiết kế theo hướng hiện đại hơn, với ý tưởng đơn giản; đường nét bất đối xứng; nhiều mảng màu đối chọi; phần thân áo quá khổ và tay nghề cắt may thuộc hàng điêu luyện. Diego Cortizas, kiến trúc sư nổi tiếng chuyển hướng sang thời trang với Chula; và Mai Phương, nhà thiết kế nội thất với cửa hàng thời trang, phong cách sống aN, cũng là những trường hợp như thế.
Nằm trên con phố nhỏ giữa phố cổ Hà Nội, aN là căn nhà gác nhỏ xinh xắn yên bình bên góc đường nhộn nhịp, nơi có cánh cửa sổ mang phong cách thuộc địa, mái ngói bằng đất sét và những cửa chớp lộng lẫy – những vật chứng không lời về một giai kỳ lịch sử. Lạc bước vào aN, mỗi du khách đều có dịp thưởng thức trà thơm trong gian phòng truyền thống; với sàn gỗ và tầng khăn linen. aN bày bán gần như mọi thứ. Từ nghệ thuật cổ điển Việt Nam và mẫu quần chắp vá; cho đến loại túi da sành điệu đủ sánh ngang hàng Ý, cả về chất lượng và kiểu dáng.
Câu chuyện Hà Nội đang trở thành Paris, hay những mảnh vụn thời trang trong cuộc sống
Nhà thiết kế tự học của aN này bắt đầu sự nghiệp bằng cách làm đồ, túi và giày cho bản thân. Và chỉ đến 2 năm trước, cô mới bán những thành phẩm của mình. Một phần để vực dậy nghề thủ công địa phương. Phần khác để tạo thêm hương vị cho đời sống thành thị. “Nguyên bản, căn cơ và tự nhiên. Tôi luôn cố gắng làm việc với tâm niệm giữ vững nguyên tắc này”, Phương nói.
Lấy cảm hứng từ kiến trúc và sự đơn giản của thiết kế Nhật Bản, các mẫu aN đã trở nên phổ biến, không chỉ trong cộng đồng sáng tạo của Hà Nội mà còn mở rộng với khách du lịch Nhật Bản, Hàn Quốc và Châu Âu – những người đang tìm kiếm các mẫu da chất lượng, bộ linen phong cách hay đồ thường ngày đẹp đẽ.
Và mặc dù trải nghiệm thời trang ở Hà Nội không phải là dạo bước trên các đại lộ của thương hiệu cao cấp, đó lại là thứ xúc cảm không gì so sánh được khi tìm đến những bí mật riêng tư, được thể hiện ngẫu hứng và mang đậm hồn chủ nhân. Như Thảo đã nói, “giờ đây, người Việt Nam đi du lịch nhiều hơn. Với Internet và truyền thông xã hội, mọi thứ đều bị phơi bày! Chúng tôi đã ngủ quên rất lâu. Vì vậy sự phấn khích lớn hơn gấp 10 lần. Những nơi khác đã thực sự phát triển. Nhưng ở đây chúng tôi có nhiều thứ mà tiền nhân để lại”.
Và đó, chính là cách mà Hà Nội đang trở thành Paris của Việt Nam.
Harper’s Bazaar Việt Nam