Vào thế kỷ 19, chàng trai trẻ Louis Vuitton từng vẽ sọc lên vali của mình để ngăn ngừa hành vi ăn cắp mẫu mã từ đối thủ cạnh tranh. Qua đến thế kỷ 21, nạn mua hàng fake, hàng nhái vẫn tiếp tục là một vấn đề lớn cho ngành thời trang.
Bây giờ, chỉ cần lên mạng trong ít phút và người tiêu dùng có thể nhanh chóng tìm ra những website bán hàng giả tràn lan. Món đồ không trông quá tồi tàn, vì công nghệ sao chép ngày càng tinh vi. Những món hàng hiệu mới cũng được copy vô cùng nhanh.
Tất nhiên, phải có cầu thì mới có cung. Chính nhu cầu từ người dùng đã tiếp tay cho tệ nạn ước tính gây thất thoát hàng triệu đô-la Mỹ cho các thương hiệu chính thống. Muốn giảm tệ nạn hàng giả, hàng nhái triệt để, các thương hiệu cần bắt đầu từ gốc rễ – chính là nhu cầu của người tiêu dùng.
Nhưng, không phải ai cũng mua hàng giả vì lý do giống nhau. Vì vậy không thể dùng một chiến dịch để áp dụng cho tất cả mọi người. Giới nghiên cứu tâm lý khách hàng đã tìm ra bốn nguyên nhân chính dẫn đến việc mua hàng giả.
Vì sao khách hàng mua hàng giả? Họ là ai?
1. Nhóm mơ ước
Đây là nhóm gần nhất với suy nghĩ về những người thường mua hàng fake. Họ thường là những người có thu nhập không đủ để mua sản phẩm thật. Họ hay suy nghĩ, “nếu tôi có nhiều tiền hơn thì sao”, “nếu tôi có thể sống giống Kim Kardashian thì sao”. Vì vậy, họ tìm mua một món hàng giả mà các thần tượng của họ sử dụng, như một cách tiếp tay cho giấc mơ về lối sống thượng lưu.
2. Nhóm quan tâm đến hình ảnh bề ngoài
Đây là nhóm khách hàng mong muốn được nở mày nở mặt với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Việc sở hữu một món đồ hàng hiệu đắt đỏ giúp họ khoe rằng, “Tôi có một cuộc sống thành công”. Tuy nhiên, thực tế thì có thể việc mua món đồ thật nằm ngoài khả năng tài chính của họ. Vì vậy mà họ tìm mua hàng fake như một cách cứu vãn tình hình. Chí ít, họ sẽ sử dụng món đồ giả đó cho đến khi nào có đủ khả năng để mua phiên bản hàng hiệu thật.
3. Nhóm fashionista nghiện trào lưu mới
Đây là nhóm fashionista luôn luôn mong muốn sở hữu món đồ mới nhất. Cơn nghiện mua sắm khiến họ khó lòng mua tất cả mọi thứ đều là hàng hiệu thật. Để không vướng vào tình trạng “viêm màng túi”, nhóm khách này sẽ chọn lọc, mua cả hàng thật lẫn hàng giả.
4. Nhóm mua sắm tinh vi mặc dù…có tiền
Đừng cho rằng tất cả khách hàng mua hàng giả đều thuộc tầng lớp thu nhập thấp. Nhiều người khá giả cũng có khuynh hướng thích hàng fake. Họ lý giải rằng, chất lượng giữa món hàng thật và hàng giả không khác biệt bao nhiêu, mà giá tiền lại có sự chênh lệch đáng kể. Nếu họ muốn sắm một món đồ để quăng quật vô tội vạ, cớ gì phải sắm đồ hiệu thật?
Một lý do khác, theo nghiên cứu tâm lý khách hàng, là vì nhiều người có thu nhập cao có thể từng nghèo túng trong quá khứ. Việc săn lùng hàng fake, tìm ra một món đồ chất lượng đủ cao để “lừa tình” người khác, lại chỉ cần trả một mức giá hời, mang lại cho họ niềm vui khi đi mua sắm. Có thể ví cảm giác này với cảm giác “đãi vàng trong cát” vậy.
Lựa chọn của nhóm khách hàng này thường là hàng fake cấp độ 1, rất gần giống với sản phẩm nguyên thủy. Họ cũng tinh vi mix and match đồ hiệu và đồ giả cùng nhau, nên khá khó để người xung quanh biết rằng họ đang dùng hàng fake, trừ phi nếu săm soi thật kỹ.
Cách nào để ngăn ngừa tâm lý thích mua hàng fake?
Để giải quyết tận gốc vấn đề chắc chắn rất khó khăn. Một số chiến lược các nhà mốt đã áp dụng, đến nay, gồm việc giảm giá hàng tồn và mở rộng dòng sản phẩm, sản xuất các thiết kế ở mức giá thấp hơn.
Một ví dụ là: Để sở hữu chiếc túi Hermès Birkin đôi khi khó như bắc thang lên trời vì giá cao, số lượng lại có hạn. Nhưng mua một món phụ kiện treo túi hay khăn lụa thì dễ hơn. Và cây son môi Rouge Hermès hay nước hoa thì hầu như ai cũng có thể sắm được mà không bị hạn chế về số lượng.
Các thương hiệu cũng có thể đầu tư thêm vào kênh mua bán hàng second hand. Trào lưu đầu tư vào hàng second hand hoàn toàn là một trào lưu mua sắm do người tiêu dùng khởi xướng, nhưng ngày càng lớn mạnh dù không có bất kỳ “ông lớn” hàng hiệu nào hậu thuẫn. Theo ước tính từ tập đoàn tư vấn tài chính BCG, phân khúc hàng resale đạt giá trị 37,2 tỉ đô-la Mỹ vào năm 2021, có thể tăng trưởng từ 15 đến 20% mỗi năm tính đến 2025.
Điều này cho thấy rõ một phân khúc tiềm năng mà các nhà mốt đã bỏ qua từ trước đến nay. Vừa giúp người tiêu dùng sở hữu được món hàng hiệu giá giảm, vừa không phải giảm giá món đồ mới toanh tại cửa hiệu. Chưa kể là còn được khen là quan tâm đến môi trường khi hạn chế phung phí hàng thời trang!
Một thương hiệu đã mạnh tay theo đuổi chiến lược này là Mulberry đến từ Anh. Gần đây, hãng áp dụng chiến dịch Mulberry Exchange. Khách hàng Mulberry có thể mang túi cũ đến cửa hàng, trả hàng cho nhà mốt và nhận một phần voucher để mua sắm túi mới. Trong khi đó, túi cũ được nghệ nhân Mulberry sửa lại rồi mang bán lại chính thức trên website của hãng. Do đã được nhà mốt tu sửa và đảm bảo là hàng thật, người tiêu dùng sẽ tự tin hơn khi mua sắm các vật phẩm này.
>>> Xem thêm: MUA HÀNG SECOND HAND CAO CẤP Ở ĐÂU ĐỂ KHÔNG SỢ MUA NHẦM ĐỒ GIẢ?
Trích dẫn Jing Daily, BCG Report
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam