High fashion là gì?
High fashion là gì? High fashion (thời trang cao cấp) là thuật ngữ thời trang tiếng Anh của haute couture. Đó là những trang phục và phụ kiện do các nhà thiết kế hàng đầu sáng tạo nên. Uy tín của nhà thiết kế chính là đặc điểm mấu chốt của thuật ngữ thời trang cao cấp.
Tất cả những thiết kế mà bạn nhìn thấy trên sàn diễn haute couture đều chỉ xuất hiện một lần ở đó và sẽ không bao giờ tìm thấy trong cửa hàng hay nơi công cộng ngẫu nhiên nào đó.
Những nhân vật có khả năng sẽ liên hệ với nhãn hàng sau khi kết thúc show diễn, hoặc ngay khi show đang diễn ra để đặt hàng. Mẫu thiết kế sẽ được chỉnh sửa theo vóc dáng cũng như các yêu cầu đặc biệt từ khách hàng.
Hầu hết các trang phục high fashion đều được may thủ công, sử dụng những loại nguyên liệu tốt nhất.
Những yêu cầu khắt khe của haute couture
Ở Pháp, khái niệm haute couture được quy định trong luật, trong đó nêu rõ các sản phẩm thời trang cao cấp phải do nhà thiết kế hàng đầu thực hiện, đáp ứng các yếu tố:
- Sản phẩm chỉ thực hiện theo đơn đặt hàng của khách, với một hoặc nhiều phụ kiện đi kèm.
- Xưởng may phải nằm ở Paris và thuê ít nhất 15 nhân viên toàn thời gian.
- Mỗi mùa (2 lần trong năm), phải trình bày bộ sưu tập cho cánh nhà báo Paris đánh giá. Bộ sưu tập phải có ít nhất 35 bộ cho cả trang phục mặc ban ngày và mặc ban tối.
Bạn dễ dàng thấy rằng các show thời trang haute couture luôn mang tính tiên phong. Đó không phải loại đồ mà người ta có thể bắt gặp nhan nhản trên đường phố. Tuy nhiên, người bình dân như chúng ta vẫn có cơ hội diện các trang phục na ná như vậy. Mong muốn bán hàng cho số đông ít tiền đã đưa đẩy các nhãn hàng đến với khái niệm high street fashion (thời trang đường phố, thời trang thông dụng).
Tìm hiểu về thời trang high street fashion và những thiết kế vay mượn từ thời trang cao cấp
Các thương hiệu thời trang cao cấp đặt định hướng vào người giàu. Họ sản xuất ra những thứ độc quyền và bán với cái giá cắt cổ. Xưởng sản xuất thường đóng đô ở Pháp, Ý và Tây Ban Nha, nơi giá lao động vô cùng đắt đỏ. Nhưng không vì vậy mà giới bình dân ngừng “nhòm ngó” high fashion.
Nhiều công ty thời trang fast fashion cũng nhòm ngó, mượn ý tưởng từ high fashion để đưa vào những trang phục bán cho khách hàng bình dân.
H&M, Forever 21, Primark hay Zara đều là loại thương hiệu thời trang như vậy. Các thương hiệu này nửa nhái, nửa cải biến các trang phục haute couture thành những loại quần áo dễ mặc, rẻ tiền, phù hợp trong cuộc sống của đại đa số khách hàng. Vậy là bạn luôn có thể mua các mẫu mã mới trong các cửa hàng bình dân và mặc chúng đẹp không thua gì ngôi sao.
Hàng nhái lên kệ rất nhanh. Sau mỗi buổi diễn thời trang cao cấp, hoặc chỉ là sau khi những tấm ảnh, những buổi chụp hình high fashion lộ ra trên mạng hay trên báo, các thương hiệu bình dân sẽ thi nhau nhái. Dù có cải biến thì cái gốc vẫn là đạo nhái. Bởi vậy hàng high street còn bị gọi là ”low” fashion. Bạn cứ xem lại các bộ sưu tập của Givenchy trong mấy năm qua, rồi lên các trang bán hàng online Karmaloop hay MLTD, sẽ dễ dàng tìm thấy hàng đống đồ nhái rẻ tiền trên đấy.
Thế nhưng cũng có những trường hợp hoàn toàn trái ngược. Các nhà mốt lớn đôi khi, thậm chí thường xuyên vay mượn ý tưởng của thời trang đường phố. Chẳng hạn các loại street style phong cách hip-hop, phong cách grunge thập niên 1990. Để rồi dần dần lằn ranh giữa low và high fashion ngày càng lu mờ.
Lằn ranh mờ nhạt giữa high fashion và high street
Từ khoảng năm 2015 trở về sau thì thời trang cao cấp và bình dân lại thường sóng đôi. Bạn nhìn thấy các rapper xuất hiện trong các show diễn thời trang, nhạc pop lại cũng đậm chất thời trang, pha trộn giữa “cao cấp” và “thấp cấp”.
Định hình phong cách thời trang ngày càng trở thành xu hướng phổ biến trong giới trẻ, cũng nhờ công lớn của âm nhạc và mạng Internet. Nhiều loại streetwear (thời trang đường phố) cũng đắt không kém gì đồ hiệu cao cấp. Bất cứ giá nào bạn cũng có thể tìm thấy trên các trang shopping online. Thời trang hiện nay không chỉ còn là ý tưởng trong não các nhà thiết kế hàng đầu, mà nó lại xuất phát từ chính các ngõ ngách hè phố.
High fashion là gì và ở đâu giữa đại dịch?
Khái niệm xa xỉ gần như đã bị đánh mất trong năm 2020, khi mà những sàn diễn, những thảm đỏ lễ trao giải đều phải tạm ngưng để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh. Người dân thường xuyên ở nhà hơn là ra đường, vậy thì đâu cần quan tâm tới thời trang nữa.
Tuy nhiên, giới thời trang cũng chưa bao giờ chịu ngồi yên. Bất kể lúc nào có cơ hội “chường mặt” ra công cộng, các fashionista cũng đều nỗ lực thể hiện phong cách của mình qua những chiếc khẩu trang cá tính. Chắc chỉ có trong bối cảnh này người ta mới dùng tới chiếc khẩu trang như là một tuyên ngôn thời trang của mình.
Khẩu trang không phải phụ kiện thời trang, nhưng nó lại chiếm lĩnh diện tích lớn trên gương mặt bạn. Do đó các nhãn hàng từ cao cấp tới bình dân cũng không ngại tung ra nhiều mẫu mã lên tới cả trăm USD một chiếc và mang tính thiết thực cao.
Chẳng hạn nhà thiết kế thời trang cao cấp Christian Siriano đã cho ra mắt chiếc khẩu trang đính đá Black Crystal Mask với giá 595 USD, làm theo đơn đặt hàng. Hay chiếc khẩu trang kiêm khăn choàng cổ có giá gốc 150 USD của hãng St. John. Tuy nhiên, vào các trang bán hàng online của các nhãn hàng, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy những set khẩu trang giá vô cùng rẻ chỉ trên dưới 15 USD.
Thời trang luôn thay đổi từng ngày từng giờ. Trong bối cảnh nào một fashionista cũng có thể khiến mình trở nên ngoại hạng. Đâu cứ nhất thiết phải là đồ cắt đo riêng mới thể hiện được cá tính, phong cách thời trang của bạn. Thời trang bạn có thể mua được, nhưng phong cách là do bạn sở hữu. Chỉ cần chịu học hỏi, tìm tòi cách phối đồ, bạn có thể tạo ra phong cách của riêng mình, dẫn đầu xu thế.
Giữa muôn vàn những gương mặt giống nhau, những trang phục nhạt nhòa khoác lên chỉ để che cơ thể, bạn có thể thổi hồn vào cuộc sống nhạt nhẽo của những người xung quanh chỉ bằng việc mặc một bộ đồ chất lượng và phá cách. Hy vọng các thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ high fashion là gì.
>>> Xem thêm: CÁCH ĐỊNH HÌNH PHONG CÁCH CÁ NHÂN QUA 6 BƯỚC ĐƠN GIẢN
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam