Báo cáo năm 2016 cho thấy New York Fashion Week đem về doanh thu 887 triệu đô-la cho thành phố. Đây là fashion week đem lại doanh thu lớn nhất, vượt xa, gấp nhiều lần so với các London, Milan và Paris Fashion Week trong “Tứ đại” tuần lễ thời trang thế giới.
Nhưng nhắc đến New York Fashion Week, đó không chỉ là vấn đề tiền bạc hay kinh tế, đó là tầm vóc của một ngành công nghiệp không ngừng biến đổi.
Lịch diễn ra New York Fashion Week
Tuần lễ Thời trang New York được tổ chức vào tháng 2 và tháng 9 hàng năm ở quận Manhattan. Đây là fashion week diễn ra đầu tiên trong năm. Tiếp đến là London Fashion Week, Milan Fashion Week và hạ màn là Paris.
Mỗi kỳ thường kéo dài từ 7-9 ngày, thu hút các nhà thiết kế trong và ngoài nước, những người mua tiềm năng, truyền thông báo chí và công chúng. Các fashionista, khách du lịch thập phương cũng đổ xô đến thành phố.
Lịch sử ra đời và phát triển của New York Fashion Week
1. Eleanor Lambert và Press Week
Ngành thời trang nước Mỹ phải cảm ơn một người phụ nữ, đó là nhà báo Eleanor Lambert. Không ngoa khi nói, nếu không có Eleanor Lambert thì không có New York Fashion Week mà chúng ta biết đến ngày nay.
Lambert sinh ra tại tiểu bang Indiana. Năm 1925, bà chuyển đến New York và bắt đầu sự nghiệp báo chí. Năm 1941, bà thành lập Viện thời trang New York Dress Institute để thúc đẩy việc sản xuất, thiết kế và thu mua quần áo may mặc tại địa phương.
Lúc này Paris đang là trung tâm của thời trang toàn cầu. Nhiều mẫu thiết kế ở Pháp đã vượt Đại Tây Dương và được các nhà thiết kế ở Mỹ bắt chước. Tuy nhiên, Chiến tranh Thế giới thứ II bùng nổ cũng là lúc ngành thời trang châu Âu chững lại. Lambert nhận ra đây chính là cơ hội cho các nhà thiết kế Mỹ khẳng định vị trí của họ, từ đó bà đã tạo ra Press Week – chính là tiền thân của New York Fashion Week hiện nay.
Press Week đầu tiên được tổ chức vào năm 1943 với ý tưởng khá đơn giản. Khách sạn Plaza được lựa chọn là địa điểm tổ chức sự kiện, quy tụ các nhân vật có ảnh hưởng trong lĩnh vực báo chí và những người có địa vị khác. Họ được mời xem những bộ sưu tập mới nhất từ các nhà thiết kế Mỹ, tập trung lại chỉ một nơi.
Ý tưởng này ngay lập tức tạo thành một cú hit. Nhiều nhà thiết kế trong nước, bao gồm Claire McCardell và Norman Norell, đã được công nhận và được đưa tin trên các tờ báo lớn, chẳng hạn Vogue.
Trong vòng 2 năm, Press Week đã trở thành một sự kiện lớn, thôi thúc nữ doanh nhân Ruth Finley (cũng là bạn của Lambert) ra mắt cuốn lịch thời trang Fashion Calendar, cung cấp thông tin liên lạc và lịch trình show diễn cho những người trong ngành. Cuốn lịch này tồn tại suốt 70 năm và đến giờ vẫn duy trì online.
2. New York Fashion Week chính thức có tên
Trong khi London Fashion Week mãi đến thập niên 1960 mới ra đời, các nhà thiết kế Milan và Paris vẫn trung thành với những show trong salon thì tại Mỹ, Press Week đã phát triển thành một sự kiện lớn. Những tên tuổi vĩ đại lần lượt ra đời, bao gồm Oscar de la Renta và Ralph Lauren. Họ đã phá vỡ quy tắc “một địa điểm”. Thay vì chỉ biểu diễn trong một sân khấu được lựa chọn, họ có thể trình diễn bộ sưu tập trong bảo tàng, hộp đêm, các cửa hàng lớn, showroom…
Năm 1962, Eleanor Lambert góp công thành lập Hiệp hội các nhà Thiết kế thời trang Mỹ – Council of Fashion Designers of America (CFDA), lấy các tuần lễ thời trang ở New York làm trung tâm. Ngồi hàng ghế đầu lúc này có diễn viên Liza Minelli, “ông vua pop-art” Andy Warhol và nhà vận động nhân quyền Bianca Jagger…
Năm 1973 đã diễn ra “Trận chiến Versailles” ở Paris – một sự kiện thời trang huyền thoại do Liên đoàn Thời trang Pháp tổ chức, được xem là khởi đầu cho Paris Fashion Week.
Sự kiện này đã đánh dấu sức mạnh và vị thế của người Mỹ trong địa hạt thời trang. Những nhà thiết kế Mỹ vô danh như Bill Blass, Oscar de la Renta, Halston, Stephen Burrows và Anne Klein đã đối đầu trực diện với các tên tuổi lớn của Pháp như Yves Saint Laurent, Christian Dior (thiết kế bởi Marc Bohan), Emanuel Ungaro, Pierre Cardin và Hubert de Givenchy. Và như chúng ta đã biết, người Mỹ đã thắng.
Đến thập niên 1980, London, Paris và Milan trở nên lấn át New York. Nhưng các “tay chơi Mỹ” đã nhanh chóng phản pháo, họ trở nên to lớn hơn, ồn ào hơn và ngang ngược hơn. Betsey Johnson và Donna Karan là những người có công kéo sự chú ý quay trở lại cuộc chơi ở New York.
Nhưng đến đầu những năm 1990, New York trở nên lạc lối. Ít sự hợp tác giữa các nhà thiết kế. Báo chí và người mua phải chạy ngược chạy xuôi giữa các show thời trang diễn ra liên tiếp nhưng lại ở các địa điểm cách xa nhau hàng trăm dặm. Khi trần nhà tại show Michael Kors đổ sụp vào năm 1991, ngành công nghiệp thời trang Mỹ nhận ra “vậy là đủ rồi”.
Vào năm 1993, Chủ tịch CFDA là ông Stan Herman và Giám đốc điều hành Fern Mallis quyết định chọn một địa điểm trung tâm tại Công viên Bryant Park. Họ dựng những túp lều trắng và đặt cho chúng tên gọi là 7th on Sixth. Những túp lều này đã trở thành biểu tượng của sân khấu thời trang Mỹ suốt những thập niên sau đó.
Với lịch diễn được sắp xếp khoa học và hình ảnh chuyên nghiệp, thời trang New York bùng nổ trở lại với cái tên chính thức lúc này là New York Fashion Week. Nhiều ngôi sao như Julia Roberts, Mariah Carey và Leonardo DiCaprio đã ngồi hàng đầu xem các show diễn. Năm 1998, việc nhà thiết kế đại tài Helmut Lang đưa bộ sưu tập của mình đến New York đã tái khẳng định vị thế dẫn đầu của Mỹ so với châu Âu.
3. New York Fashion Week trong thiên niên kỷ mới
Những năm đầu của thế kỷ 21 là thời kỳ thăng hoa của thời trang New York với các thương hiệu mới. Chẳng hạn Rodarte, Prabal Gurung và Alexander Wang đều mang show tới New York.
Show sự kiện 11-9, nhiều blogger, các ngôi sao đường phố, những người ảnh hưởng trên mạng xã hội lũ lượt tràn về New York. Điều này giúp cho các thương hiệu tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng hơn. Vào năm 2008, New York Fashion Week thu hút hơn 230.000 người tham dự.
Đến năm 2010, lịch diễn chính thức của New York Fashion Week có tới 300 show. Địa điểm phải được dời tới Lincoln Centre cho rộng rãi hơn. Tuy nhiên 4 năm sau, các nhóm vận động địa phương cho rằng sự kiện đã làm ảnh hưởng tới Công viên Damrosch gần đó. Vì thế ban tổ chức quyết định dời địa điểm về Spring Studios ở Tribeca, Lower Manhattan. Và đây trở thành địa điểm chính của New York Fashion Week cho tới ngày nay.
Nếu thời trang châu Âu chú ý tới nâng cao lối sống, thì thời trang Mỹ lại mang đặc điểm của chủ nghĩa thực dụng. Tuy nhiên, trong thời đại mới, New York Fashion Week bắt đầu quan tâm tới đối tượng tiêu dùng Gen Z với sức mạnh mua sắm trị giá 360 tỷ USD.
New York Fashion Week tạo cơ hội cho các nhà sáng tạo trẻ, con em của các người mẫu hàng đầu. Một số TikToker 20 tuổi được vinh dự mời ngồi ở hàng ghế đầu, bởi vì họ có lượt follow lên tới hàng chục (thậm chí hàng trăm) triệu fan.
Mua vé xem New York Fashion Week
New York Fashion Week có những show công nghiệp và các show mở cửa cho công chúng. Các show công nghiệp khá giới hạn khách mời, hầu hết chỉ dành cho người mua tiềm năng và bên truyền thông báo chí, các ngôi sao nổi tiếng.
Vì vậy, bạn chỉ có thể mua vé để xem show dành cho công chúng. Hàng năm, lịch diễn của các show thường được công bố từ 4-6 tuần trước khi diễn ra sự kiện. Bạn có thể theo dõi và mua vé tại đây, chọn các show được tô màu xanh lá cây.
Ngoài ra, bạn có thể mua vé giới hạn để xem New York Fashion Week runway tại Angel Orensanz Foundation. Ở đây quy tụ rất nhiều nhà thiết kế tài năng như Custo Barcelona, Giannina Azar… Mua vé sớm tại đây.
Nếu tài chính dư dả, bạn có thể mua vé VIP để trải nghiệm cảm giác ngồi ở hàng ghế đầu, tham gia các sự kiện chào mừng. Giá này khá đắt, bạn có thể mua tại đây.
Chưa kể, bạn có thể xem tất cả các show diễn trực tuyến thông qua màn hình kỹ thuật số Runway 360 digital hub. Ngoài ra, các thương hiệu còn livestream show của riêng họ trên các nền tảng và website.
Các thương hiệu và nhà thiết kế tham gia New York Fashion Week
Với hàng trăm show diễn ra mỗi năm, New York Fashion Week quy tụ rất nhiều thương hiệu và nhà thiết kế danh giá. Sắp xếp theo alphabet, chúng ta có Altuzarra, Alexander Wang, Anna Sui, AREA, Batsheva, Brandon Maxwell, Calvin Klein, Carolina Herrera, Coach, Collina Strada, Dion Lee, Eckhaus Latta, Elena Velez, Fendi, Gabriela Hearst, Jason Wu, KHAITE, LaQuan Smith, Marc Jacobs, Michael Kors, Palomo Spain, Prabal Gurung, Proenza Schouler, Puma, Puppets & Puppets, Sergio Hudson, Simkhai, Sukeina, Tom Ford, Tommy Hilfiger, Tory Burch, Ulla Johnson, Who Decides War và Willy Chavarria cùng những tên tuổi khác.
Tuần lễ Thời trang New York diễn ra ở đâu?
Trước mùa Fall 2015, New York Fashion Week diễn ra tại tổ hợp các tòa nhà ở Lincoln Center, nơi Mercedes-Benz là nhà tài trợ.
Sau đó, hai địa điểm mới được lựa chọn là Skylight Clarkson Square và Skylight Moynihan Station. Chelsea Piers và Park Avenue Armory cũng là địa điểm được ưa chuộng cho các show và sự kiện. Marc Jacobs từng chọn Nhà hát Hammerstein Ballroom để trình diễn show Spring 2017. Trong khi đó, Caroline Herrera lại chọn Bảo tàng Museum of Modern Art cho show Spring 2018.
Tuần lễ thời trang dành cho nam New York Men’s Day
New York Men’s Day do Chủ tịch Công ty quan hệ công chúng Agentry PR thành lập vào năm 2014 sau thời gian dài chứng kiến sự khan hiếm của các mùa thời trang dành riêng cho nam. Sự kiện này đã bước vào năm thứ 19.
Agentry PR tài trợ 85% nguồn tài chính cho các nhà thiết kế trẻ, những người cần sự hỗ trợ để đưa các thiết kế của họ đến với người xem. Ngoài thời trang nam, New York Men’s Day còn có các bộ sưu tập phi giới tính.
New York Men’s Day cũng được tổ chức vào tháng 2 và tháng 9 hàng năm, song song với New York Fashion Week.
Thành phố New York là trung tâm thời trang với mật độ dân số đông đúc, nhiều thương hiệu nổi tiếng đã đặt trụ sở tại đây. Các trường dạy thiết kế và cửa hiệu quần áo cũng phủ sóng khắp thành phố. Đến New York vào tháng 2 và tháng 9, bạn không chỉ được tận hưởng thời tiết đẹp mà còn có cơ hội hòa mình vào thế giới hào nhoáng, sôi động của Tuần lễ Thời trang New York (New York Fashion Week) ở Manhattan, thủ phủ không ngủ của nước Mỹ hoa lệ.
>>> Đọc thêm: 11 CÁCH PHỐI ĐỒ CÔNG SỞ NỮ ĐẸP NHƯ SAO
• 13 CÁCH PHỐI ĐỒ VỚI ÁO KHOÁC JEAN ĐẸP VÀ CÁ TÍNH
• 9 TUYỆT CHIÊU PHỐI ĐỒ CHO NGƯỜI LÙN VÀ MẬP
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam