Lông vũ trong thời trang: Chất liệu biểu trưng cho sự cao cấp

Từng là biểu tượng của giai cấp thống trị và xã hội thượng lưu, chất liệu lông vũ trở nên đại chúng. Giờ đây, lông vũ còn gắn với vấn đề nhân đạo và bền vững trong thời trang đương đại

Dương Tử mặc áo đính kết lông vũ của Valentino. Ảnh: Weibo Dương Tử

Trong vài năm gần đây, lông vũ trở thành một trong những xu hướng chủ đạo của làng mốt. Marc Jacobs, Oscar de la Renta biến lông vũ thành đầm tuyệt đẹp. Valentino đính lông vũ trên nón và tay áo. Giambattista Valli điểm tô những đôi giày bằng lông vũ. Vài nét phác thảo này đủ cho thấy sự đa dạng và biến hóa của chất liệu này trong thời trang.

Lông vũ trở thành chất liệu ứng dụng từ thời Phục hưng và phổ biến đến tận ngày nay. Khởi nguồn, chúng kể những câu chuyện về các nền văn hóa bản địa và các cuộc cách mạng của nhân loại. Ngày nay, lông vũ mang đến những câu trả lời cho vấn đề phát triển bền vững trong làng mốt. 

Một thiết kế của Richard Quinn, Thu Đông 2019. Ảnh: Imaxtree

Một thiết kế của Richard Quinn, Thu Đông 2019. Ảnh: Imaxtree

>>> XEM THÊM: BỘ HÌNH “SỨC CÁM DỖ CỦA LÔNG VŨ” DO NHIẾP ẢNH GIA DINA ZHULII CHỤP NGƯỜI MẪU ANTONINA VASYLCHENKO

Lông vũ từng là biểu trưng cho tín ngưỡng thời cổ đại

Lông vũ là cấu trúc vỏ bọc ấn tượng nhất được tìm thấy trong động vật có xương sống. Chúng là ví dụ tiêu biểu của sự tiến hóa phức tạp trong tự nhiên. Bộ lông gồm các cấu trúc keratin tí hon, giúp chim bay, bảo vệ, giữ ấm và giao tiếp. Đúng vậy, một số loài chim dùng bộ lông để giao tiếp! 

Bức họa chân dung Nữ thần Ma’at của Ai Cập cổ đại với đôi tay phủ lông vũ như cánh và cài lông đà điểu lên tóc

Từ năm 60 trước Công nguyên, nhân loại đã sử dụng lông vũ như trang phục. Người Neanderthal sinh sống tại đại lục Á – Âu khoác lên mình bộ lông sẫm màu hơn loài chim săn mồi. Trong nền văn minh Ai Cập cổ đại, chỉ tầng lớp cao quý mới được phép đội lông đà điểu trên đầu, để tỏ lòng trung thành với Nữ thần Ma’at. Trong các bức họa, Ma’at hiện lên với đôi tay và tóc cài lông vũ. 

Bên kia đại dương, với thổ dân da đỏ châu Mỹ, lông vũ là hiện thân cho danh dự và niềm tôn kính. Lông vũ được sử dụng để phân biệt các bộ tộc và đánh dấu những cột mốc quan trọng của cộng đồng. Mũ lông vũ mang ý nghĩa tinh thần to lớn, thường được các thủ lĩnh bộ lạc đội trong những dịp quan trọng. 

Một thổ dân da đỏ châu Mỹ diện mũ lông vũ. Ảnh: Getty Images

Khi lông vũ trở thành chất liệu thời trang

Lông vũ bắt đầu được yêu thích trong thời trang châu Âu từ thế kỷ 16. Những quý ông ở các vương quốc thịnh vượng dùng lông vũ để trang trí trên nón. Cơn sốt thời trang này liên quan mật thiết đến các cuộc khai phá thuộc địa đương thời. 

Sau cuộc chinh phục người Aztec, Hernán Cortés gửi những tác phẩm lông vũ và sách cổ ghi chép về những loài chim Mexico bản địa cho Quốc vương Tây Ban Nha. Từ đó, giai cấp thống trị ở cựu lục địa diện lông vũ từ những loài chim châu Mỹ, như một cách bày tỏ quyền lực và tham vọng chinh phục thuộc địa.

Giai cấp quý tộc ưa chuộng lông vũ cũng khai sinh ra những nghề nghiệp mới trong lịch sử: thợ sửa lông hoặc các thương lái chuyên kinh doanh lông vũ.

Matthäus Schwarz, một fashionista 24 tuổi người Đức, diện mũ lông vào ngày 10–5–1521. Ảnh: University of Cambridge. Lịch sử lông vũ

Matthäus Schwarz, một fashionista 24 tuổi người Đức, diện mũ lông vào ngày 10–5–1521. Ảnh: University of Cambridge

Tuy được yêu thích nhưng lông vũ chỉ phổ biến trong tầng lớp thượng lưu. Đến thế kỷ 17, lông vũ mới trở thành cơn sốt lan rộng khắp châu Âu. Tất cả đều nhờ công Đại đế Louis XIV của Pháp. 

Trước kia, Madrid và Tây Ban Nha là thủ đô kinh tế, chính trị, nghệ thuật của châu Âu. Người Tây Ban Nha vào giai đoạn này ưa chuộng các tông màu trầm. 

Bức họa Vua Philip II trên lưng ngựa của danh họa Peter Paul Rubens ra đời năm 1628. Tác phẩm hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Prado, Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: Wikimedia

“Vua mặt trời” Louis XIV lại nghĩ khác!  Ông nhuộm lông vũ với nhiều sắc màu rực rỡ, thậm chí dát vàng. Các thiết kế lông vũ có sắc màu tươi tắn, kích thước cường điệu để thật nổi bật. Phong cách thời trang này, cùng việc đặt nền móng cho thời trang Haute Couture, đã giúp Pháp tách khỏi ảnh hưởng của Tây Ban Nha. Louis XIV đưa Paris trở thành kinh đô thời trang thế giới. 

Bức họa Gundakar, Hoàng tử xứ Dietrichstein của Jan Thomas vào năm 1667. Ảnh: © KHM-Museumsverband

>>> XEM THÊM: VUA LOUIS XIV ĐÃ THAY ĐỔI LỊCH SỬ THỜI TRANG NHƯ THẾ NÀO?

Sau Louis XIV, khi Marie Antoinette lên ngôi hoàng hậu nước Pháp, lông vũ trở thành thời trang thường nhật của quý tộc Pháp. Hoàng hậu có lối sống xa hoa bậc nhất châu Âu đã đưa lông vũ lên đến tột đỉnh vinh quang. Nổi tiếng nhất là kiểu tóc bới cao và gắn lông vũ cao đến gần một mét của hoàng hậu.

Ở thế kỷ 18, Hoàng hậu nước Pháp Marie Antoinette thực sự là fashionista hàng đầu và “trendsetter” trong thời đại của mình. Bà nổi tiếng với kiểu tóc Marie Antoinette được rất nhiều phụ nữ học tập. Tóc bà được chải phồng rồi búi cao nhờ một lớp độn trong tóc, trang trí với ngọc trai, phụ kiện và luôn đính lông vũ trên cùng. 

Chân dung Marie Antoinette năm 1783 với mũ đính lông

Marie Antoinette mất ngai vàng và mạng sống trong Cách mạng Pháp, nhưng lông vũ lại bình yên vượt qua các cơn binh biến. 

Phát triển vượt bậc 

Đến giữa thế kỷ 19, mũ đính lông vũ trở thành phụ kiện nhất định phải có của phụ nữ trung và thượng lưu tại châu Âu và Bắc Mỹ. 

Đôi khi, họ còn đội cả con chim nhồi bông lên mũ. Xu hướng này nghe có vẻ xa lạ ở thời hiện đại, nhưng trong thời kỳ Victoria và Edward của Anh, đây là đỉnh cao nhất của thời trang. Địa vị, quyền lựa hay sự giàu có của một người thể hiện qua chú chim họ đội… trên đầu.

Một chiếc mũ chim thời Edward. Ảnh: Bảo tàng Albert & Victoria

Suốt thế kỷ 18, 19, 20, lông vũ đạt đến đỉnh của thời trang và trở thành một ngành công nghiệp có giá trị kinh tế, thương mại. Thập niên 1920, lông vũ là đặc trưng của phong cách thời trang Flapper. Các nghệ sĩ biểu diễn nổi tiếng như Mistinguett, Josephine Baker đều khoác một lớp lông vũ để tăng sức cuốn hút trên sân khấu. 

Các nghệ sĩ trong thời đại nhạc Jazz những năm 1920 sử dụng trang phục và đội nón lông vũ cường điệu khi trình diễn. Ảnh: Getty Images

Bước vào thời đại Disco, lông vũ trở thành đặc trưng không thể bỏ qua. Từ hộp đêm Studio 54 nức danh đến các sân khấu biểu diễn, đâu đâu người ta cũng thấy lông vũ xuất hiện. Elton John, Cher, Donna Summer là những ngôi sao gắn liền với chất liệu này. Lông vũ tạo hiệu ứng thị giác, giúp cơ thể trong đầy đặn và to lớn hơn. Chúng tăng thêm sự tự tin và nổi bật cho người mặc.  

Sir Elton John và trang phục lông vũ, phong cách thời trang quen thuộc của ông trong thập niên 1970. Ảnh: Getty Images

Sự phát triển bền vững của thời trang 

Trong quá khứ, cơn sốt lông vũ tự nhiên đẩy nhiều loài chim đứng bên bờ vực tuyệt chủng. Nhà điểu cầm học Frank Chapman từng thống kê để làm nên một chiếc mũ, người ta cần đến 40 loài chim khác nhau. Các nhà hoạt động bắt đầu lên tiếng, phản đối khai thác lông vũ tràn lan trong tự nhiên. 

Chúng là tiền đề để các đạo luật bảo vệ động vật hoang dã ra đời. Có thể kể đến là Hiệp ước chim di cư năm 1918 tại Mỹ, Đạo luật bảo vệ các loài chim hay Đạo luật Lacey về bảo tồn động vật hoang dã. Các đạo luật này góp phần làm sụp đổ thị trường kinh doanh lông vũ.  

Vấn đề bảo vệ môi trường và nhân đạo trong việc sử dụng lông vũ trong thời trang được nâng cao. Nghề chế tác lông vũ thủ công dần mai một. Trong số hàng trăm nhà chế tác từng tồn tại ở Paris vào thời cực thịnh, con số ngày nay chỉ còn lại bốn. Duy nhất Maison Lemarié chuyên cung cấp lông vũ cho ngành Haute Couture. 

lịch sử lông vũ, một sáng tạo của Maison Lemarié

Một sáng tạo của Maison Lemarié

Lông vũ nhân tạo, nhân đạo

Ngày nay, chúng ta có lông vũ nhân tạo hoặc lông vũ rụng tự nhiên của các loài chim. Ngoài ra, lông ngan, ngỗng cũng là một nguồn khai thác có nguồn gốc rõ ràng. Khi việc khai thác lông vũ tự nhiên được kiểm soát, những câu hỏi về tính bền vững hoặc bảo vệ môi trường được giải quyết. Sợi lông vũ tự nhiên thậm chí còn bền vững và ít nguy hại đến môi trường hơn cả lông thú nhân tạo từ polyester. 

lịch sử lông vũ, bộ sưu tập The Mellow Sunset của Cashew

Thiết kế đính lông vũ hiện đại, đậm tính ứng dụng trong bộ sưu tập The Mellow Sunset của Cashew

Công nghệ phát triển góp phần mang đến sự bền vững cho lông vũ. Trong bộ sưu tập Thu 2019, J.W. Anderson trình diễn một thiết kế khiến nhiều nhà phê bình lầm tưởng đó là lông vũ. Thực chất, đó là một loại vải trông giống như lông vũ.

Suốt mùa thời trang 2019–2020, Valentino, Marc Jacobs, Givenchy, Oscar de la Renta và nhiều nhà mốt đều ứng dựng lông vũ trong các bộ sưu tập. Xu hướng lông vũ kéo dài đến tận mùa 2022–2023, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Năm 2020, Việt Nam là quốc gia nhập khẩu lông vũ nhiều nhất thế giới, với tổng giá trị là 216 triệu đô-la Mỹ 

lịch sử lông vũ, Lan Ngọc diện đầm lông vũ của NTK Lê Thanh Hòa

Lan Ngọc diện đầm lông vũ của NTK Lê Thanh Hòa

Dù tự nhiên hay nhân tạo, lông vũ cũng là chất liệu đồ sộ được khai thác xuyên suốt trong thời trang. Hình dáng, màu sắc, kết cấu của lông vũ là suối nguồn sáng tạo bất tận. Đó cũng là sức hút không thể cưỡng lại của chất liệu này.

>>> XEMM THÊM: LỊCH SỬ THỜI TRANG: LÝ DO THỰC SỰ VÌ SAO XUẤT HIỆN LÔNG THÚ GIẢ

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam 

Xem thêm