Power Dressing là gì? Đó là phong cách thời trang mà dịch nôm na là lối ăn mặc mang đến cảm giác quyền lực cho người mặc. Trong bài viết này, cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu về những phong cách power dressing mang lại sự tự tin hết mực cho bản thân.
Sự ra đời của thuật ngữ power dressing
Thuật ngữ power dressing được sử dụng lần đầu vào những năm 70 của thập niên trước, khi thành quả của làn sóng nữ quyền thứ nhất đã đưa người phụ nữ tiến vào vị trí lãnh đạo, quản lý cấp cao và cả chính trường.
Diện mạo của người phụ nữ lúc ấy cần phải phù hợp và thể hiện được phong thái của một “working girl” (tạm dịch: người phụ nữ chuyên nghiệp) có chỗ đứng trong tổ chức. Trang phục của cô ấy cần đáp ứng các yếu tố vừa chuyên nghiệp, lịch sự của nơi công sở nhưng vẫn làm nổi bật nét đẹp nữ tính và quyến rũ của phái đẹp.
Power dressing là gì?
Ngày nay, nói đến power dressing là gì thì người ta nghĩ đến hình ảnh những nữ cường nhân trong vest và suit. Thực chất, phong cách ăn mặc quyền lực là một khái niệm thay đổi theo thời đại. Trang phục quyền lực là những gì giúp người mặc cảm thấy mạnh mẽ nhất khi phải đương đầu với áp lực xã hội.
Những ví dụ đầu tiên của thời trang quyền lực có thể kể đến áo corset! Tuy áo corset từng bị xem là nội y định dáng gò bó, một số nhân vật của quá khứ lại biến nó thành sản phẩm chứng tỏ địa vị xã hội của mình. Có thể kể đến nữ hoàng Catherine de Medici trị vì nước Pháp thế kỷ 16, hay nữ hoàng Victoria làm nên giai đoạn huy hoàng nước Anh thế kỷ 19. Họ tạo phong cách nghiêm nghị và uy quyền với trang phục có cầu vai to, đầm tùng rộng và thắt eo bằng corset to bản. Giám đốc sáng tạo Maria Grazia Chiuri cũng vì vậy mà chọn áo corset để truyền tải tính nữ quyền trong BST Dior ready-to-wear Xuân Hè 2023.
>>> XEM THÊM: DIOR XUÂN HÈ 2023 CÁCH TÂN LỐI ĂN MẶC NỮ QUYỀN CỦA THẾ KỶ 16
Giày cao gót cũng có thể xem là một phụ kiện power dressing cho phái nữ. Đây từng là sản phẩm dành riêng cho quý tộc châu Âu dùng trong buổi thượng triều. Khả năng giúp tăng chiều cao, từ đó tạo cảm giác uy quyền cho người sử dụng, khiến giày cao gót không hề mất đi vị thế trong tủ đồ của người phụ nữ.
Chất liệu vải là một ví dụ khác. Tweed, vốn dĩ được dùng cho trang phục đi săn của đàn ông giới thượng lưu, sau khi được Coco Chanel biến tấu thành suit cho phụ nữ, đã trở thành một biểu tượng cho người phụ nữ công sở thành đạt.
>>> ĐỌC THÊM: VÌ SAO GỌI VẢI TWEED LÀ CHẤT LIỆU QUÝ TỘC ANH?
Trong quá khứ, địa vị xã hội còn được truyền tải qua màu nhuộm vải. Trong quá khứ, hoàng gia châu Âu thường mặc trang phục màu tím hoặc đen, vì các màu nhuộm nay khan hiếm và đắt đỏ. Còn châu Á thì cấm dân thường mặc phục trang màu vàng của thiên tử và cam quýt/đỏ của hoàng tộc. Dẫu vậy, với sự lên ngôi của màu tổng hợp giá rẻ thì màu sắc không còn là một yếu tố xác định tính quyền lực của trang phục.
Nói để thấy, câu hỏi “power dressing là gì” không có đáp án tuyệt đối, mà luôn thay đổi theo thời gian. Bất kỳ trang phục nào của phái mạnh/tầng lớp trị vì được phái yếu/tầng lớp phục tùng vay mượn nhằm tạo nên bản lĩnh cho mình đều có thể được xem là power dressing.
Cách ăn mặc quyền lực trong thế kỷ 21
Trong bối cảnh của thế kỷ 21, power dressing hàm ý những trang phục vay mượn từ thời trang công sở của nam giới, gồm vest, suit, đồng phục sĩ quan quân đội, cao bồi… Tất nhiên là các sản phẩm đã được cải biến với nét mềm mại đại diện cho quyền lực mềm của phái nữ.
Điều quan trọng nhất khi chọn trang phục quyền lực là bạn phải cảm thấy cực kỳ thoải mái khi diện chúng. Vì chỉ khi bạn tự tin, không gồng mình gắng gượng, thì bạn mới có thể truyền tải hết năng lượng của bản thân. Ví dụ, đừng chọn trang phục cầu vai độn nếu bạn cho rằng món đồ ấy khô khan.
Sau đây là một vài các trang phục cho phong cách power dressing hiện đại, giúp bạn gây ấn tượng với các đối tác mà không mất đi tính thời trang.
1. Power Suit
Chắc hẳn người con gái nào cũng ghi nhớ cảm giác lần đầu khoác lên mình một bộ suit vừa vặn hoàn chỉnh: lạ lẫm, thích thú xen lẫn sự say mê vì hương vị của người đàn bà trưởng thành quả thật rất dễ “gây nghiện”.
Các bộ power suit kinh điển trong làng thời trang cao cấp có thể kể đến Le Smoking của Yves Saint Laurent, bộ vest vải tweed trắng đen của Coco Chanel, những thiết kế cầu vai nhọn của Pierre Cardin và Balmain…
Power suit là một bộ vest được may đo riêng cho bản thân bạn, bằng chất liệu vải dày dặn và sang trọng. Khi được may đo riêng, bộ vest sẽ không nhăn nhúm, làm nổi bật hình thể của bạn, bên cạnh đó để lộ những cá tính riêng qua kiểu chọn hàng nút, ve áo, cầu vai, màu sắc…
Suit hiện đại đã cải tiến cả về kỹ thuật may lẫn sử dụng đa dạng chất liệu nhằm giảm thiểu sự quy cách, gò bó của một item vốn mang định kiến đồng phục mà trái lại đem lại sự mới lạ, độc đáo, quyến rũ và phong cách riêng biệt cho người mặc.
>>> XEM THÊM: 6 MẸO GIÚP BẠN MẶC VEST NỮ TRẺ TRUNG MÀ THỜI THƯỢNG
2. Áo blazer
Áo blazer là một phiên bản rộng rãi hơn, thoải mái hơn của áo vest có phần gò bó. Item mang phong cách unisex này tạo cảm giác quyền lực cho những người không thích mặc đồ bó sát, mang vẻ nam tính hơn bộ suit truyền thống.
Áo blazer vô cùng “dễ dãi” khi có thể kết hợp với đa dạng quần và chân váy. Thoải mái hơn thì có jean hay khaki, nghiêm túc hơn là quần âu, nữ tính khi phối với chân váy… Do áo blazer không nhất thiết phải cùng chất liệu và màu sắc với quần/váy đi kèm như suit, trang phục này mang đến sự tự do trong lối phối đồ. Mà sự tự do chính là một phần không thể thiếu của power dressing.
>>> XEM THÊM: 6 NGUYÊN TẮC ĂN MẶC SANG TRỌNG, QUYỀN LỰC NƠI CÔNG SỞ CHO PHÁI NỮ
3. Áo sơ-mi
Xuất phát điểm là một item vay mượn từ tủ đồ của cánh mày râu, trải qua thời gian, sơ mi đã ghi tên mình vào một trong những trang phục không thể thiếu của phụ nữ. Để tăng thêm độ kiểu cách và mềm mại hơn cho tổng thể set đồ, công thức sơ mi và quần tây cạp cao hay chân váy với thiết kế bất đối xứng là lựa chọn đáng trải nghiệm.
Ngày nay áo sơ-mi có rất nhiều lựa chọn, từ cotton thấm hút tốt, đến voan quyến rũ, lụa sang trọng, lanh thực tế… cùng màu sắc đa dạng. Chọn một chiếc áo sơ-mi mang bản sắc cá nhân là cách tuyệt vời để tạo nét chấm phá cho set đồ power dressing. Sau đây là một số những cách chọn sơ-mi trắng ấn tượng từ các ngôi sao.
4. Over coat và các loại áo khoác dáng dài
Thay vì mặc như cách thông thường, chỉ cần khoác hờ chiếc áo khoác trên vai là bộ trang phục đã mang một sắc thái hoàn toàn khác biệt. Nhưng hãy lưu ý về độ dài của áo để cân đối tỷ lệ cơ thể và tránh phá vỡ tỷ lệ của set đồ. Những người thấp hơn 1m65 không nên chọn áo khoác midi (dài giữa gối và mắt cá chân) để tránh càng trông thấp bé.
>>> ĐỌC THÊM: NẾU THẤP BÉ, BẠN KHÔNG NÊN MẶC NHỮNG TRANG PHỤC NÀO?
5. Thời trang mang cảm hứng quân đội
Những sĩ quan quân đội, chiến sĩ, phi công, cảnh sát… được xem là những cảnh vệ tinh nhuệ được tôi luyện để bảo vệ quốc gia. Đồng phục của họ cũng là một biểu tượng của sự quyền lực mà họ sở hữu. Do đó, power dressing không thể thiếu các chi tiết trang trí vay mượn từ đồng phục quân đội. Một vài gợi ý gồm hàng nút đôi trước ngực, cầu vai có chi tiết trang trí tựa quân hàm, áo bomber jacket của phi công, giày bốt cột dây combat boot…
>>> ĐỌC THÊM: MILITARY: PHONG CÁCH QUÂN ĐỘI
6. Thời trang cao bồi với phong cách westerncore
Một loại đồng phục của nam giới khác, không nghiêm nghị như trang phục quân đội, mà lại mang chút hoang dã và vẻ bất cần. Phong cách ăn mặc quyền lực này dành cho những người có cá tính mạnh, phóng khoáng và thích phá vỡ mọi giới hạn. Thời trang cao bồi thường gồm nón rộng vành, quần ống loe, dây nịt bản to và bốt da thuộc.
Điều quan trọng nhất trong Power dressing…
…là trang phục giúp bạn tạo cảm giác tự tin nhất vào bản thân. Bên cạnh đó, cách đứng ngồi kiêu hãnh khi diện trang phục còn giúp truyền tải cảm giác quyền lực. Hãy ngồi thẳng lưng, mở vai rộng, ngẩng cao đầu. Đấy là bước cuối cùng để hoàn thiện diện mạo power dressing của bạn.
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam