Tribal: Thời trang cảm hứng bộ lạc

Xu hướng tribal thường được tìm thấy trong bộ sưu tập Xuân Hè với những họa tiết, màu sắc sặc sỡ

Tribal, trong tiếng Anh, có nghĩa là bộ tộc/bộ lạc. Thời trang mang xu hướng, phong cách tribal vì vậy thường kết hợp yếu tố đặc trực của trang phục dân tộc. Ví dụ như hoa văn đậm, tua rua, kết hạt gỗ hay vỏ ốc. Xu hướng thời trang tribal cũng chuộng các tông màu mạnh, táo bạo hơn là pastel nhã nhặn.

Phong cách thời trang này thường xuất hiện vào các mùa Xuân Hè thay vì Thu Đông. Và nó cũng thường được kết đôi với phong cách Bohemian.

Khai sinh xu hướng Tribal

Từ đâu xuất hiện trào lưu này? Có lẽ khi những hình ảnh, ghi chép về những bộ tộc dân tộc thiểu số xuất hiện trên truyền thông Tây phương. Từ tận đầu thế kỷ 20, văn hóa của những bộ lạc đến từ châu Phi, Nam Mỹ hay thậm chí là châu Á gây tò mò.

Từ khóa “tribal” trong thời trang lần đầu tiên xuất hiện vào thập niên 1920. Một số những từ khóa khác được dùng thay thế cho chữ “tribal” còn có thể là “ethnic” hay “native” (xuất hiện từ thập niên 1970).

Những màu sắc tribal trong MV More & More của nhóm Twice

Những đặc trưng của phong cách tribal

Để trang phục được gọi là mang hơi thở tribal, nó phải mượn chi tiết từ trang phục thổ dân của các bộ tộc thiểu số. Có thể là qua màu sắc và họa tiết, chất liệu vải, trang sức hay phom dáng.

1. Màu sắc và họa tiết

Các họa tiết phong cách tribal thường là đường kẻ sọc, tam giác, gợi nhớ lối dệt vải thổ cẩm. Người dân bộ lạc không có công nghệ dệt may tiên tiến, nên họ khó lòng dệt nên những thớ vải tinh xảo hơn.

Về mặt màu sắc, trang phục tribal cực kỳ sặc sỡ. Đây là một yếu tố đến từ đặc điểm địa lý. Các bộ tộc mang đến cảm hứng trong thời trang thường đến từ các khu vực nóng ẩm, ở vùng xích đạo. Mà màu sắc của thiên nhiên tại vùng nhiệt đới thường đậm màu hơn so với những vùng ôn đới ở Tây phương. Nhờ họa tiết và màu sắc sôi nổi, trang phục tribal mang tính yêu đời và được đặc biệt ưa chuộng cho mùa Xuân hè.

20140306_Tribal-Etro-SS-2012

Hoa văn geometric hình tam giác trên các thiết kế của Etro mùa Xuân Hè 2012.

20140306_Tribal-SS-2014

Màu nhiệt đới và hoa văn dệt nổi: Valentino, Givenchy và Alexander McQueen mùa Xuân Hè 2014.

20140306_Tribal-Friging-SS-2014

Tua rua: Roberto Cavalli, Emilio Pucci và Junya Watanabe mùa Xuân Hè 2014

2. Phom dáng

Trang phục tribal thường có phom dáng rộng, thả lỏng. Một phần vì kỹ thuật dệt may của các bộ tộc thiểu số tương đối thủ công, không có khả năng tạo nên những phom dáng phức tạp. Một phần khác vì họ sống ở xứ sở nóng nực, nơi chuộng phom dáng rộng thùng thình để chống lại với cái nắng nóng hàng ngày.

Áo caftan và đường kẻ sọc tribal trên sàn diễn Oscar de la Renta Xuân Hè 2020

3. Chất liệu và vật liệu

Những gì đẹp nhất của thiên nhiên luôn được sử dụng trong thời trang tribal. Ví dụ là xà cừ lấp lánh bảy màu cầu vồng. Vỏ sò với những đường vân ngẫu nhiên. Hạt gỗ, lông vũ dùng làm trang sức và đính kết trên trang phục.

20140306_Tribal-accesories-vickisarge-erickson-beamon

Chất liệu vải cũng không láng mượt, mà thường khá thô – do trang phục của người bộ lạc thiểu số thường được dệt bằng tay, lạc hậu so với công nghệ tiên tiến. Các chất liệu vải thường được dệt từ thực vật tự nhiên, ví dụ đay, đũi, lanh (linen), cotton.

Trong số những phụ kiện nổi bật nhất phải kể đến những chiếc vòng bắt nguồn cảm xúc từ trang sức Maasai.

20140306_Tribal-maasai-necklace

Maasai là một bộ tộc sống ở vùng Đông Nam của châu Phi, nổi tiếng với trang sức thủ công đầy màu sắc và đặc biệt là chiếc vòng kim loại vòng quanh cổ surutia. Chiếc vòng này vốn được xỏ bằng những vật liệu tự nhiên như hạt cây khô, hạt gỗ, miếng ngà voi. Về sau này, người phụ nữ Maasai dần thay thế những chất liệu này với hạt thủy tinh và hạt nhựa công nghiệp.

Từng màu trên chiếc vòng Maasai biểu trưng cho từng đức hạnh khác nhau. Màu đỏ cho sức mạnh, xanh dương cho trời cao, trắng cho sự trong trắng, xanh lá cho sự no đủ, cam cho lòng hiếu khách và đen cho sự khó khăn trong cuộc đời của họ.

Một xu hướng cần được sửa đổi

Trong thế kỷ 21, xu hướng tribal ngày càng biến mất khỏi sàn diễn. Lý do vì sự nhận thức ở phương Tây về vấn đề “ăn cắp văn hóa” (cultural appropriation).

“Tribal là từ ngữ dùng để miêu tả những nền văn hóa thiểu số. Nhưng thực chất, những nền văn hóa của các bộ tộc có sự khác biệt rõ rệt. Gom tất cả chung chung vào một từ “tribal” làm mất đi nét nhận diện riêng biệt, đồng hóa các nền văn hóa thiểu số”, viết nhà báo Kristopher Fraser.

Chỉ gọi một trang phục là “tribal” khiến người dùng không hiểu được nó được lấy cảm hứng từ nền văn hóa nào – Maasai của Kenya hay H’Mông của Việt Nam. Xóa bỏ mất nguồn gốc làm nên cảm hứng cho trang phục là ăn cắp văn hóa chứ không phải tôn vinh nó, các nhà hoạt động xã hội lý giải.

Biết rằng giới thời trang luôn lấy cảm hứng từ các nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Nhưng, các nhà hoạt động xã hội đề nghị hạn chế dùng từ “tribal” chung chung; và ngược lại ghi chú rõ về nguồn gốc của niềm cảm hứng. Từ đó giúp tôn vinh nền văn hóa bộ tộc thay vì vùi dập nó.

Một ví dụ đáng được vinh danh thời gian gần đây là bộ sưu tập Cruise 2020 của Dior. Giám đốc sáng tạo Maria Grazia Chiuri đã làm việc với nghệ nhân Marrakech cho các thiết kế, trình làng show diễn tại Marrakech, đồng thời viết rõ về nét văn hóa đặc sắc mà mình đưa vào bộ sưu tập.

Vì lý do này, có lẽ chữ tribal sẽ dần biến mất khỏi xu hướng thời trang thế giới. Ngược lại, những cái tên riêng của từng bộ tộc sẽ trở thành từ khóa được sử dụng.

>>> Xem thêm: DIOR GIỚI THIỆU BST RESORT 2020 TẠI MARRAKECH

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Mới nhất về Tribal: Thời trang cảm hứng bộ lạc

Xem thêm