“Xin đừng gọi tôi là thợ”: Dùng vẻ đẹp ngôn ngữ để tôn vinh nghệ nhân

Đã đến lúc chúng ta ngừng sử dụng từ thợ một cách vô tội vạ, vì thứ ngôn ngữ này chính là lưỡi đao giết chết động lực sáng tạo

Dior luôn tôn vinh nghệ nhân của mình khi quay, chụp lại cảnh họ làm việc. Ảnh: Pol Baril for Christian Dior

Thời gian vừa qua, tôi có cơ hội đến Bảo Lộc, cái nôi của ngành lụa tơ tằm miền Nam. Nơi đây là khu vực tốt nhất để nuôi tằm lấy kén tại miền Nam, nhờ khí hậu ôn hòa và trong lành. Các xưởng xử lý sợi, dệt vải, in nhuộm và thêu vải tơ tằm cũng được đặt tại thành phố thuộc tỉnh Lâm Đồng này.

Đi tham quan một vòng xưởng dệt của một công ty lụa tơ tằm Việt nổi tiếng có sản lượng xuất khẩu cao, tôi ngạc nhiên khi thấy số lượng nhân công tương đối ít ỏi. Có nhiều máy dệt bị bỏ trống. Còn ở xưởng thêu có treo bảng tuyển nhân sự rất to. Dường như chính người dân của thủ phủ lụa tơ tằm không quá mặn mà với ngành nghề đã giúp Bảo Lộc nổi tiếng.

Trò chuyện với giám đốc, chị ấy than, “Thợ chẳng muốn làm nữa. Họ chê công việc tay chân nặng nhọc, bây giờ cứ đi bán đất cho an nhàn”. Tôi tò mò, “Hay là mình thử tuyển từ các khu vực khác?”. Chị lắc đầu, “Công việc của thợ thêu khó lắm, phải nhiều năm mới đào tạo tay nghề tốt được”.

Câu trả lời của chị làm tôi trầm ngâm. Theo lời mô tả về công việc, những người này nên được gọi là nghệ nhân mới phù hợp. Thợ là một người làm rập khuôn sản phẩm. Họ là một mắt xích trong dây chuyền sản xuất, không được phép sáng tạo. Còn nghệ nhân là những người sở hữu đôi tay tỉ mỉ. Họ phải vận dụng óc sáng tạo để chế tác nên những sản phẩm thủ công cao cấp. Tôi trộm nghĩ: Từ “thợ” nghe không có gí. Phải chăng lớp trẻ không muốn tiếp nối công việc này cũng vì không được xã hội nhìn nhận và tôn trọng?

Ảnh: Pol Baril for Christian Dior

Ngẫm lại, người Pháp thật tinh vi. Ngôn ngữ Pháp duyên dáng đã đành. Họ lại còn dành những lời hoa mỹ nhất cho những con người đang làm sáng tạo tại quốc gia của mình.

Các thương hiệu thời trang cao cấp Pháp không có “thợ”, chỉ có “nghệ nhân”. Các hãng mỹ phẩm Pháp không dùng “thợ trang điểm” hay “thợ làm tóc”, chỉ tuyển dụng “nghệ sỹ trang điểm” và “tạo mẫu tóc”. Những từ ngữ tiếng Pháp miêu tả thế giới xa xỉ phẩm như haute couture, haute joaillerie hay atelier ít bị chuyển ngữ khi dịch sang các ngôn ngữ khác, góp phần tạo vẻ cao sang cho các thương hiệu Pháp.

Từ chính ngôn ngữ, chúng ta đã cảm thấy được sự trọng vọng dành cho những ngành nghề thủ công được lưu truyền từ đời này sang đời khác của người Pháp. Còn chữ “thợ” mang lại cảm giác tay chân, hạ đẳng, tự ti về nghề nghiệp. Đối với những người đã được truyền nghề bởi những bậc thầy trong lĩnh vực của mình, trải qua nhiều năm mài giũa kỹ thuật, bị gọi là thợ thật có chút phũ phàng.

Đến nay đã và đang có rất nhiều nghiên cứu nói về sức mạnh của ngôn ngữ. Một nghiên cứu năm 2018 của các nhà khoa học Stanford cho thấy rằng: Nhiều từ ngữ tưởng như trung lập lại toát lên thành kiến bén rễ trong thâm tâm.

Ví dụ câu nói “Con gái giỏi toán không kém gì con trai”. Thoạt nghe có vẻ bình thường, nhưng cách ví von này khiến 71% người tham gia nghiên cứu kết luận rằng con trai có thiên phú về toán học, còn con gái thì không. Nhưng khi đảo ngược thành “con trai giỏi toán không kém gì con gái”, chỉ còn 32% kết luận tương tự.

Ngôn ngữ ảnh hưởng sâu sắc và thể hiện thế giới quan của con người.

Đọc xong bài viết này, có thể bạn sẽ phản bác rằng, nếu ai cũng tự nhận mình là một chuyên gia hay nghệ nhân thì thật phù phiếm và hư vinh. Trong khuôn khổ bài viết, tôi đang cổ suý cho việc tôn vinh những người đã dành cả cuộc đời của họ để mài giũa kỹ năng và chung thủy với nghề. Chúng ta đang rất cần những con người có tay nghề cao để bảo tồn và phát triển ngành nghề thủ công tối truyền thống. Với những người ấy, xin hãy trân trọng tôn vinh họ là nghệ nhân.

SÁCH HAY NÊN ĐỌC: 1984 – GEORGE ORWELL

Một trong những tác phẩm văn học kinh điển về sức mạnh của ngôn ngữ chính là tác phẩm 1984 của George Orwell, cũng là tác giả Trại súc vật.

Câu chuyện diễn ra ở một thế giới phản địa đàng. Nơi đây, ngôn ngữ bị tối giản hóa hết mức có thể, trở thành tù giam mài mòn ý chí của người dân.

Thông qua cố truyện giả tưởng, tác giả George Orwell muốn diễn tả rằng điều khiến ngôn ngữ là cách kiểm soát tri thức. Ông muốn cảnh tỉnh người đọc phải luôn nghiền ngẫm về những gì mình nghe, đọc hàng ngày, chứ đừng tiếp thu thông tin suông.

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam