Xu hướng Garden Party – trang phục in hoa lá hiện diện trong các bộ sưu tập mùa Xuân Hè 2014
Chúng ta đã biết những người nổi tiếng, fashion icon như Kate Moss, Alexa Chung, Kate Middleton… có khả năng chi phối xu hướng. Nhưng ngoài họ ra, còn có những yếu tố nào khởi tạo trào lưu? Ví như chẳng phải ngẫu nhiên mà có mùa cả thế giới phát sốt với màu cam, xong rồi mùa sau lại điên đảo với các tông màu nồng nàn như đỏ mận và vàng úa. Phải chăng trước mỗi mùa thời trang, các nhà thời trang hàng đầu thế giới mở cuộc mật đàm tại một địa điểm bí mật nào đó để quyết định xem năm tới sẽ lăng-xê mốt gì?
NGUYÊN LIỆU, ĐẦU MỐI ĐẦU TIÊN
Khó ai phủ nhận vải vóc chính là mắt xích đầu tiên trong chuỗi dây thời trang. Vì vậy, ta không thể bỏ qua manh mối này trong cuộc truy tìm gốc gác bí ẩn của xu hướng. Mời bạn ghé thăm hội chợ Première Vision chuyên về các chất liệu vải vóc thời trang diễn ra tại Paris hàng năm. Trong không gian rộng lớn, gấp vài lần một sân vận động, các gian hàng vải tiếp nối nhau thẳng tắp, ngăn cách bằng những bức tường mi-ca sáng trắng trong ánh điện. Ước chừng 800 nhà sản xuất vải từ khắp thế giới đã tụ hội về hội chợ thường niên Première Vision. Họ tranh thủ sự kiện quan trọng này để cho giới tạo mốt thấy thành quả mới nhất, đẹp nhất của mình. Đây cũng là một trong số ít hội chợ mà bạn có dịp chạm mặt các nhà thiết kế như Christian Lacroix và Dries van Noten ở lối đi giữa những gian hàng.
Các hãng vải – giờ đây, tại hội chợ này, đang đóng vai trò là người bán – có những chiêu tiếp thị rất tinhvi. Chính điều này cũng góp tay trong việc tạo xu hướng. Thông thường, các nhà thiết kế, khách hàng quen của họ, có yêu cầu một số loại vải đặc biệt dành riêng cho mình. Tuy nhiên, những người bán này cũng có thể để một số chi tiết trên các sản phẩm kia lọt sang tay đối thủ cạnh tranh, rồi tất nhiên từ đó sẽ phát tán đi thêm.Ngoài ra, khi một nhà thiết kế có sức ảnh hưởng đã chọn chất liệu nào đó, các khách hàng đến sau ông ta cũng bị chiêu dụ khéo léo để mua những loại vải tương tự.
Một khía cạnh khác sẽ giải thích được phần nào lý do cho hai mánh lới trên của các nhà sản xuất vải. Đó là khi họ đã ngầm đồng ý sẽ theo một xu hướng màu sắc hay chất liệu, có nghĩa họ phải tìm mọi cách để kích thích nhu cầu của người mua và cố hạn chế sản phẩm tồn kho, điều họ có nguy cơ đối mặt nếu đi ngược lại “thông điệp ngầm”. Vậy thông điệp ấy đến từ đâu? Nếu không có những cuộc mật đàm như đã đề cập ở trên, vậy nhờ đâu mà họ sản xuất các sản phẩm tương tự nhau ở chính xác cùng một thời điểm?
“CƠ QUAN TÌNH BÁO” THỜI TRANG
Hẳn ai làm trong ngành thời trang và mỹ phẩm cũng từng nghe cái tên Nelly Rodi. Hiểu theo nghĩa nào đó, đây là “cơ quan tình báo” về thời trang chính hiệu. Với trụ sở tại Paris, công ty có văn phòng ở Ý và Nhật cùng các chi nhánh khắp hành tinh. Tất nhiên trên thế giới cũng có nhiều công ty tương tự như Promostyl, Peclers và Carlin International nhưng Nelly Rodi là cái tên tiên phong về cố vấn xu hướng ở châu Âu. Nelly Rodi có một đội ngũ “theo dấu” xu hướng. Họ lùng sục khắp các ngõ ngách trên thế giới, dõi theo những hiện tượng xã hội, phân tích các thay đổi và dự báo những bước phát triển có thể tác động lên xu hướng thiết kế. Công việc ấy có thể mô tả như đi sâu vào óc người tiêu dùng, vẽ nên một viễn cảnh tưởng tượng xem họ sẽ phản ứng thế nào, cần những sản phẩm ra sao.
Những xu hướng ở trạng thái mơ hồ, sơ khai nhất cũng lọt vào mắt các nhà quan sát của Nelly Rodi. Chúng có thể manh nha ở các hẻm phố của Rio de Janeiro hay Tokyo nhưng biết đâu sau đó sẽ thành một tràolưu thời trang gây điên đảo khắp địa cầu. Sản phẩm được mong đợi nhất của Nelly Rodi là những cuốn sách về xu hướng. Các ấn phẩm hoành tráng này đầy ắp ảnh, tranh minh họa và mẫu vải cùng với những đoạn diễn giải. Chúng chứa đựng các tiên đoán của Nelly Rodi về xu hướng sắp tới và còn có vai trò như một nguồn cảm hứng hay chính xác hơn là những gợi ý cho các nhà thiết kế hình thành nên ý tưởng riêng.
Mỗi mùa, công ty làm ra hàng tá sách về xu hướng cho các lĩnh vực khác nhau như đồ ready-to-wear, đồ len, đồ lót, màu sắc, họa tiết, chất liệu, phong cách sống và làm đẹp. Mỗi quyển có giá khoảng 1.400 euro và mỗi loại cũng chỉ in khoảng 200 bản. Khách hàng háo hức chờ đón chúng nhất là các nhà bán lẻ và ngành làm đẹp. Để làm ra cuốn sách chứa cả một thiên đường ý tưởng đó, cứ đến tháng Mười, Nelly Rodi lại tập hợp 18 chuyên gia trên các lĩnh vực thời trang, thiết kế, xã hội học và nghệ thuật để cùng thảo luận. Chỉ những ai có khả năng nhìn ra viễn cảnh cho tương lai một cách khách quan, không phụ thuộc vào ý kiến cá nhân mới được chọn vào đội ngũ này. Tiếp sau đó là những cuộc họp nhỏ để làm sáng tỏ các giả thuyết có được từ buổi thảo luận. Quá trình này kéo dài một tháng rưỡi.
Để hình dung cụ thể hơn, bạn hãy tưởng tượng sắp tới tại bảo tàng nghệ thuật Metropolitan ở New York sẽ diễn ra một triển lãm về Art Nouveau. Đây là một trong những sự kiện mà các nhà thiết kế thường tham gia. Do đó, đội ngũ chuyên gia cho rằng nhiều khả năng chúng ta sẽ chứng kiến các xu hướng thời trang lấy cảm hứng từ thời kỳ đầu những năm 1900 trên sàn catwalk mùa sau. Từ đó, các hình ảnh về chất liệu, đường nét, họa tiết… có liên quan sẽ được vạch ra cho cuốn sách về xu hướng. Khi đã có tất cả những giả thiết và phân tích của chuyên gia, một đội ngũ khác gồm nhiếp ảnh gia, chuyên viên vẽ minh họa sẽ biến ý tưởng thành hình ảnh cụ thể.
CHUNG SUỐI NGUỒN CẢM HỨNG
Trong số khách hàng lớn của Nelly Rodi không có các nhà thiết kế tên tuổi. Họ tự coi mình là trendsetter và quả thật, họ có khả năng làm nên những bộ sưu tập ấn tượng và khuấy động trào lưu. Không tham khảo các hướng tư vấn sẵn có, chính họ là người quan sát cuộc sống, chiêm nghiệm về tương lai bằng cách hòa cùng các sự kiện văn hóa – xã hội đương thời.
Có điều dù ở Milan, Paris hay New York, họ cũng có thể cùng xem những bộ phim, dự các triển lãm, đọc những cuốn sách giống nhau. Có người còn tìm cảm hứng từ du lịch mà không hay rằng địa điểm đó cũng là điểm đến cho nhiều đồng nghiệp khác. Vậy là trớ trêu thay trong khi các nhà tạo mẫu “đóng dấu tuyệt mật” lên mọi thứ liên quan đến bộ sưu tập sắp tới, họ lại lấy chung nguồn cảm hứng với những người khác. Nghĩ theo kiểu khắt khe, đó là đụng hàng, nhưng vô hình trung lại tạo thành xu hướng mà sau đó giới mộ điệu tung hô.
Hãy xem bộ phim Black Swan đã tác động ra sao đến hàng loạt thiết kế của Chanel mùa xuân hè 2011 và Jean Paul Gaultier haute couture thu đông 2012. Thậm chí hãng đồ cưới Trash-Couture cũng dành cả bộ sưu tập xuân hè 2012 để tái hiện hình ảnh nàng thiên nga trong bộ phim này.
Dù tham khảo từ nguồn nào, đến lượt mình, bộ sưu tập của các nhà tạo mốt thiên tài lại trở thành nguồn tham khảo cho những nhãn hiệu bình dân hơn. Bằng sự nhạy bén với thay đổi của xu hướng và thị trường (khả năng này ở họ tốt hơn các hãng cao cấp), các hãng này đã góp phần giúp trào lưu phổ biến nhanh chóng.
NHỮNG ÔNG TRÙM ĐẰNG SAU
Vậy nếu không phải các nhà thiết kế đình đám, ai mới là người sẵn sàng chi cả núi tiền cho những công ty chuyên nghiên cứu xu hướng như Nelly Rodi? Đó chính là những tập đoàn lớn trong lĩnh vực thời trang, dệt, làm đẹp, bán lẻ và nội thất. Trong đó, không thể thiếu những cái tên quen thuộc như P&G, L’Oréal, LVMH, Mango, H&M, Liz Claiborne, Givenchy… Hàng năm, các tập đoàn này thường tổ chức giới thiệu xu hướng về thời trang, sắc đẹp hay công nghệ mới khắp toàn cầu.
Đơn cử là hội thảo The beauty debate – Super model me thường diễn ra đầu tháng 12 tại London, tiếp theo là tháng 1 tại Singapore, do P&G Beauty & Grooming tổ chức. Buổi họp mặt báo giới thường niên này do các chuyên gia nghiên cứu xu hướng, chuyên gia trang điểm, làm tóc nổi tiếng thực hiện và trình bày, ví dụ như Sam McKnight, Pat McGrath, Eugene Souleiman và Josh Wood. Đây là những cái tên quen thuộc thường được chọn mặt gửi vàng trong nhiều show thời trang lớn của Louis Vuitton, Chloé, Valentino hay Missoni… Đồng thời, họ là đại sứ cho các nhãn hàng của P&G như Pantene, Max Factor, Wella Professionals.
Cô Vassiliki Petrou, Giám đốc Marketing toàn cầu, chuyên mảng trends & innovation thuộc P&G cho biết: “Nhóm chúng tôi thường lấy thông tin về xu hướng từ các công ty lớn về xu hướng như Union, Peclers và ở nhiều nơi khác trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản hay Ý. Nói chung, đó là những thông tin ai cũng có thể mua nhưng ý nghĩa và giá trị sử dụng mang đặc trưng riêng. Ngoài ra, chúng tôi cũng tự phân tích xu hướng và làm việc trực tiếp với các đại sứ của mình. Chúng tôi xem xét nguồn gốc xu hướng, sự thay đổi của chúng qua các mùa và sắp tới sẽ ra sao từ nhiều khía cạnh khác nhau. Từ đó chúng tôi chọn ra điểm đặc biệt nhất, tất nhiên cũng kèm theo chút “xúc tác” để xu hướng đó có thể xoay theo hướng chúng tôi muốn”.
Bài: Trinh Pak, Lynn Nguyễn – Ảnh : Dan & Corina Lecca, AFP, Tư Liệu