Thời điểm bay bổng nhất của tình yêu là khoảnh khắc bắt đầu. Khi đó, chẳng cần chất xúc tác, bầu không khí yêu đương vốn đã đủ ngọt ngào để
người ta quên đi thực tại để thả hồn theo những cung bậc xúc cảm. Tuy nhiên, khoảng thời gian đó sớm muộn cũng qua, thực tế quay lại và nhiệt độ yêu cũng giảm dần. Đó là khi những cặp đôi phải tìm mọi cách để hâm nóng tình yêu. Về vấn đề này, phụ nữ thường có nhiều ý tưởng hơn hẳn. Chúng ta thường là người thực hiện những hành động lãng mạn, chăm sóc, yêu thương để luôn đảm bảo tình yêu của mình còn nồng nhiệt.
Thế nhưng, có phải những điều chúng ta cho là tuyệt vời luôn thực sự bắt nguồn từ một động lực tốt đẹp? Có lẽ bạn muốn trả lời ngay: “Có, thực sự chứ, chắc chắn là thế rồi!”. Đúng vậy, khi yêu, chúng ta sẽ luôn muốn chăm lo, vuốt ve, âu yếm người đàn ông của mình. Tuy nhiên, đôi khi ẩn dưới tấm lòng nồng nhiệt ấy lại là những cảm xúc tiêu cực: sự ghen tuông, sợ hãi, bất an. Chúng ta có thể không nhận ra hoặc coi thường sức mạnh của chúng.
Khi bàn luận về vấn đề này, nhà tâm lý học người Pháp Jean-Michel Hirt cho rằng với nhiều người, sự chăm lo chu đáo có thể đang che giấu đi “khát vọng được làm chủ, được thấy người yêu hàm ơn và lệ thuộc vào mình”. Chính vì thế, ông luôn khuyến khích những người đang yêu phải luôn tự tìm hiểu động lực thực sự đằng sau khao khát yêu thương, chăm sóc người kia là gì. Liệu đó có phải là sự chia sẻ thực sự hay vì bạn chỉ muốn nói với người kia “Nhìn xem! Em đã làm cho anh nhiều thế này rồi đấy!”.
Lòng chăm lo thái quá
Trong một lần trò chuyện với người yêu cũ, nay là bạn tốt của mình, tôi đã hỏi anh tại sao mối tình đẹp đẽ của chúng tôi lại đi vào ngõ cụt. Dẫu lỗi không phải của riêng ai, nhưng khi nhận xét về tôi, anh thẳng thắn nói: “Em đã cố đóng vai một bà mẹ gà xòe cánh, che chở trọn vẹn cho người mình yêu. Anh trân trọng điều đó nhưng chính nó đã làm anh cảm thấy ngột ngạt và muốn bỏ chạy”.
Những lời nói của anh khiến tôi nhớ lại tâm sự từ các cô bạn. Họ thường than phiền rằng mình đã cố gắng làm những điều tốt nhất, lãng mạn nhất và trao đi trái tim đầy ắp yêu thương, vậy mà bạn trai vẫn làm họ thất vọng hết lần này đến lần khác. Vậy có phải yêu và suy nghĩ quá nhiều
là đặc tính chung của phụ nữ? Vì luôn chăm lo và muốn tình yêu của mình ở trạng thái nồng nàn, nhiều phụ nữ trở nên nhạy cảm quá mức. Chỉ một chút thay đổi của người yêu đã khiến họ nghĩ ngợi, âu lo và suy diễn nhiều khả năng tiêu cực. Trong khi đó, các nhà tâm lý cho biết rằng với một mối quan hệ thật sự bền vững, mỗi người sẽ chấp nhận những thay đổi tâm lý, quan điểm, khát vọng của người kia mà không chút âu lo.
Có thể bạn nghĩ rằng việc sẵn sàng cho đi nhiều hơn nhận lại chính là cách để đong đếm độ sâu đậm trong tình yêu. Tuy nhiên, câu trả lời thực sự lại là: hãy quan tâm tới những nhu cầu và khao khát của bản thân nhiều như quan tâm tới những nhu cầu của người ấy. Việc giữ được sự cân bằng trong mối quan hệ rất quan trọng, bởi đó chính là cách để bạn duy trì sự cởi mở và độc lập của mỗi người.
Hãy suy ngẫm kỹ hơn về những điều bạn làm. Có phải vì luôn chăm nom, theo dõi từng cử chỉ của người yêu nên bạn cũng luôn ở trong trạng thái bất an, sợ bị phản bội, sợ bị bỏ rơi? Có phải chính sự bất an đó khiến bạn càng tăng thêm nhu cầu bày tỏ tình yêu, thích chăm bẵm người đàn ông của mình?
Có thể vấn đề thực sự ẩn sau mọi sự quan tâm thái quá là cảm giác thiếu tự tin trong chính bạn. Vì thế, Moussa Nabati, nhà tâm lý học của viện đại học Paris, Pháp, khuyên rằng: “Hãy tự tìm cách điều khiển xúc cảm của chính mình, xác định điểm yếu trong mình và tự tìm cách chữa trị chúng thay vì biến người yêu thành bác sỹ trị liệu của bạn”. Làm người mình yêu vui vẻ, hạnh phúc rất quan trọng, nhưng việc chính bạn cảm thấy hạnh phúc cũng quan trọng không kém. Nếu sự chăm lo chỉ xuất phát từ một phía sẽ dẫn đến sự mất cân bằng trong tình yêu.
Khoảng trời riêng cần thiết
Đi cùng với những nhu cầu được quan tâm tới người yêu, nhiều phụ nữ còn cho rằng yêu nhau là phải ở bên nhau mọi lúc. Bản thân tôi chính là một ví dụ. Trước đây, người yêu cũ đi đâu là tôi theo đó. Tôi nghĩ hai người yêu nhau phải luôn bên cạnh nhau, chia sẻ với nhau tất cả những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Bất cứ chuyện gì xảy ra, tôi muốn là người đầu tiên anh nghĩ đến và tìm về. Tuy thế, có lẽ chính vì càng muốn kéo anh lại gần, tôi càng đẩy anh xa tôi. Giờ đây, khi đã có thể nhìn nhận khách quan hơn, tôi thấy rằng ai cũng có lúc chỉ muốn được ở một mình để những cảm xúc lắng xuống. Nhiều khi, cách thể hiện lòng quan tâm và thấu hiểu lại là việc khẽ nhón bước chân, lặng lẽ rời khỏi phòng, để cho anh được bình tâm suy nghĩ trước những xáo trộn trong cuộc đời. Không chỉ vậy, dù đã là một nửa của người kia, bạn vẫn là một cá thể độc lập và anh ấy cũng vậy. Bạn có nhận thấy những phụ nữ có thú vui, đam mê riêng ít có nhu cầu theo dõi người mình yêu hơn? Vì khi có thú vui riêng, họ sẽ dễ thông cảm hơn cho nhu cầu được “thở tự do” của bạn trai.
Dẫu thế, điều chỉnh được mức độ can thiệp của mình vào đời sống của người yêu không phải là chuyện dễ dàng. Không ít người đã phản ứng tiêu cực khi thấy người kia từ chối sự quan tâm từ phía mình. Vì thế, nhà tâm lý học người Pháp Stéphanie Hahusseau đã đưa ra lời khuyên: “Thấu hiểu nhau là một phần thiết yếu của tình yêu. Nhưng trước hết, bạn cần phải hiểu chính mình”. Đồng thời, bà cũng chỉ ra ba bước để có thể dung hòa những xúc cảm tiêu cực:
– Thứ nhất, bạn phải cảm nhận trọn vẹn thứ xúc cảm đang ngự trị trong mình.
– Tiếp đó, bạn nên bình tĩnh để phân biệt và xếp loại xúc cảm (buồn, giận dữ, xấu hổ…).
– Cuối cùng, bạn nên học cách chấp nhận xúc cảm ấy.
Khi đã hiểu được chính mình, bạn sẽ tránh được việc lấn át người yêu và đưa ra các yêu cầu phi thực tế. Một lời khuyên khác từ Hahusseau là hãy nghĩ tới những điều tốt đẹp của người kia, hình dung về khoảnh khắc hạnh phúc có cùng nhau. Đó chính là cách để bạn giữ tâm trí mình ở trạng thái vui vẻ và giúp cho cảm xúc tình yêu lâu bền.
Bazaar Việt Nam – Bài: Huy Phương. Ảnh: Shutterstocks