ZARA BỊ TẨY CHAY TRONG CUỘC CHIẾN GIỮA TRUNG QUỐC-HỒNG KÔNG

Sự căng thẳng giữa Trung Quốc - Hồng Kông tiếp tục dâng cao, cuốn theo nhiều nhà bán lẻ thời trang

Zara hiện có 14 cửa hàng tại Hồng Kông

Hàng ngàn người tiêu dùng trên mạng xã hội Trung Quốc đang kêu gọi tẩy chay Zara. Lý do? Họ cho rằng chuỗi fast fashion đang ủng hộ các cuộc biểu tình tại Hồng Kông.

Mọi chuyện bắt đầu vào Thứ Hai, 30/9

Vào sáng thứ Hai, ngày 30/9, bốn cửa hàng Zara tại Hồng Kông treo biển đóng cửa. Trên biển ghi đơn giản hai dòng chữ, “chúng tôi sẽ đóng cửa hôm nay” và “hẹn gặp quý khách vào một ngày khác”.

Ngày thứ Hai này cũng là ngày đầu tiên trong năm học mới. Và có khoảng 10,000 học sinh, sinh viên ở 200 trường khác nhau đã nghỉ học, nhằm ủng hộ cuộc biểu tình đang diễn ra tại Hồng Kông.

Tưởng như hai vấn đề này không quá liên quan đến nhau. Tuy nhiên, phóng viên tại nhật báo Ming Pao ở Hồng Kông đã suy diễn rằng: Có khi nào Zara cố tình đóng cửa để cho phép nhân viên (thường là sinh viên) tham dự biểu tình?

Ngay lập tức, tin tức của tờ Ming Pao được phát tán rộng rãi trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc. Nhiều người ngay lập tức đồng ý với quan điểm rằng Zara đang ủng hộ biểu tình tại Hồng Kông. Họ kêu gọi các fashionista Đại Lục ngừng mua sắm tại Zara để phản ánh sự bất mãn.

Lời thông báo đóng cửa tại 4 cửa hàng Zara được đăng trên tờ nhật báo Ming Pao. Hình ảnh mau chóng lan truyền rộng rãi qua Weibo, MXH Đại Lục. Nguồn: Weibo.

Một hành động vô ý hay cố tình?

Tuy nhiên, theo lời Zara giải thích, đây là một hành động mang tính chất kinh doanh. Thứ Hai hôm đó, rất nhiều người đã bị trễ làm vì một vài ga tàu điện ngầm hoãn hoạt động do biểu tình. Chuỗi bán lẻ giải thích rằng tất cả 14 cửa hàng Zara tại Hồng Kông đều mở cửa hôm Thứ Hai. Riêng bốn cửa hàng liên quan thì mở cửa trễ hơn, để nhân viên Zara có thể kịp đến đi làm.

Chuỗi bán lẻ cũng cam đoan, Zara ủng hộ chế độ “Một quốc gia, Hai xã hội”; và không tham gia vào bất cứ hoạt động chính trị nào.

Những người tham gia biểu tình Hồng Kông thường kêu gọi tại các ga tàu điện ngầm, gây nghẽn mạch giao thông công cộng. Ảnh: Getty Images.

Tuy nhiên, mạng xã hội Weibo không thật sự hài lòng về câu trả lời của Zara. Họ cho rằng lời giải thích “hời hợt” và không đủ chứng minh “thành tâm” với người tiêu dùng Trung Quốc. Nhiều người khác lại cho rằng Zara không nói thật, vì thực chất mạng lưới tàu điện ngầm Hồng Kông không bị ảnh hưởng nặng nề đến vậy.

Đây không phải là lần đầu tiên Zara bị người tiêu dùng Đại Lục phản đối. Năm ngoái, Zara gây bão dư luận ở Trung Quốc khi liệt kê Đài Loan là một quốc đảo riêng; trong khi dân Đại Lục cho rằng Đài Loan là một lãnh thổ Trung Quốc.

Theo BBC
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm